Nhảy đến nội dung
 

Đưa học sinh khiếm thị 'xem' phim

Nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã biến điều không thể thành hiện thực với chương trình chiếu phim cho học sinh khiếm thị.

Tại một rạp chiếu phim ở TP.HCM, những tràng cười hồn nhiên vang lên, không phải từ những khán giả bình thường mà là từ gần 100 em nhỏ khiếm thị. Các em không thể nhìn thấy ánh sáng của màn hình, nhưng bằng tất cả giác quan còn lại, các em cảm nhận được ánh sáng của yêu thương, từ chương trình chiếu phim mang tên Rạng, do nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thực hiện.

Ngay từ khi bước vào rạp, tiếng cười nói rôm rả của gần 100 học sinh khiếm thị khiến không gian rạp phim trở nên sống động. Các em háo hức bàn luận về nhân vật mà mình sắp được nghe và cảm nhận. Phạm Ngọc Quỳnh Như, học sinh lớp 5A Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, hào hứng nói: "Chú ơi, hôm nay con vui lắm, con sắp được xem phim hoạt hình, con thích xem phim lắm". Không ai nghĩ rằng với những đứa trẻ từng bị mặc định là "không phù hợp để xem phim", hôm nay lại là một ngày đặc biệt đến vậy.

Bộ phim các em được xem là Pororo thám hiểm đại dương xanh, một tác phẩm hoạt hình vui nhộn, nhiều màu sắc. Với người bình thường, đây có thể là một buổi chiếu phim đơn giản. Nhưng với những trẻ em khiếm thị, đây là một hành trình cảm xúc đặc biệt.

Để các em có thể "xem" phim, suốt buổi chiếu luôn có một thuyết minh viên ở bên, cẩn thận miêu tả từng hành động, biểu cảm và bối cảnh xuất hiện trong phim, nhất là những đoạn không có thoại. Giọng đọc truyền cảm, pha lẫn chút dí dỏm khiến các em dễ dàng theo dõi mạch phim, nhiều em thậm chí còn bật cười khi nghe đến những tình huống ngộ nghĩnh của nhân vật.

Mặc dù không thể nhìn thấy, nhưng nhờ âm thanh sống động và lời dẫn rõ ràng, các em vẫn "thấy" được thế giới kỳ ảo của đại dương, nơi chú chim cánh cụt Pororo cùng bạn bè phiêu lưu, khám phá.

Điều đặc biệt ở chương trình là không chỉ các em khiếm thị được trải nghiệm, mà các bạn sinh viên, học sinh THPT và khách mời cũng được phát khăn bịt mắt để trải nghiệm cảm giác "xem bằng tai". Khi phải tập trung lắng nghe từng âm thanh, từng câu thoại, người xem mới phần nào thấu hiểu được thế giới của người khiếm thị, nơi mà sự cảm nhận được xây dựng bằng trái tim và trí tưởng tượng.

Trần Ngọc Bảo Trân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trưởng ban tổ chức, chia sẻ: "Bên cạnh là hoạt động ngoại khóa thú vị, chương trình mong muốn các em học sinh trải nghiệm xem phim chiếu rạp, hoạt động vẫn thường bị hiểu lầm không phù hợp với trẻ khiếm thị vì đặc trưng của thể loại này là hình ảnh. Chúng mình muốn nhấn mạnh không điều gì có thể hạn chế cuộc sống của các em".

Ngoài xem phim, trong chương trình còn có hoạt động viết thư chữ nổi (loại ký hiệu đặc biệt dành cho người khiếm thị - PV), những bức thư này được các khách mời dành tặng các em học sinh. Các thư chúc bao gồm những câu như "chân cứng đá mềm", "tự tin vững bước" được các khách mời tỉ mỉ đục lỗ gửi tặng các em như lời động viên trong cuộc sống.