Đưa AI, bán dẫn thành công nghệ chiến lược

TP - Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn được Nghị quyết 57 xác định là ngành công nghệ chiến lược của Việt Nam. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam cần sớm giải bài toán về dữ liệu, hạ tầng và nhân lực để đưa hai ngành công nghệ này thực sự trở thành động lực của sự phát triển.
Vai trò then chốt
Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Tổng Giám đốc công ty VNPT-IT (Tập đoàn VNPT), AI và bán dẫn không chỉ là những xu hướng công nghệ nổi bật hiện tại mà còn được dự báo sẽ có vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực quan trọng đối với việc định hình sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ngành bán dẫn, tuy mới ở giai đoạn phát triển ban đầu tại Việt Nam nhưng đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.
![]() |
VNFace – công nghệ nhận diện gương mặt bằng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng quốc tế Cybersecurity Excellence Awards 2023. |
Đại diện VNPT cho rằng, sự kết hợp giữa AI và bán dẫn sẽ tạo ra các giải pháp đột phá, từ các thiết bị thông minh đến hệ thống tự động hóa cao cấp, đặc biệt AI tại biên (edge AI) - một trong những xu thế công nghệ thời gian tới.
Việt Nam sẽ đẩy mạnh các ngành công nghiệp chiến lược
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đặt trọng tâm chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40-50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.
“Trong giai đoạn từ 2025 trở đi, Việt Nam có thể định hình vai trò của mình như một trung tâm sản xuất linh kiện bán dẫn, phục vụ cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Các năm tiếp theo, hai lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá lớn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Cường nhận định.
Là một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn ở Việt Nam, có vai trò dẫn dắt chuyển đổi, VNPT cho biết, tập đoàn này đã đặt ra một tầm nhìn rõ ràng trong việc phát triển công nghệ AI, thể hiện ở 4 mục tiêu chính cần đạt được tới năm 2030, là làm chủ công nghệ lõi, trở thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng AI có thứ hạng trong khu vực, tiên phong dẫn dắt áp dụng AI trong các ngành thế mạnh và sở trường như chính quyền, viễn thông, y tế. Ngoài ra, cung cấp các nền tảng, dịch vụ AI dưới dạng Software as a Service (SaaS) nhằm phục vụ xã hội. Trong bán dẫn, VNPT bước đầu nghiên cứu và sản xuất linh kiện, chip, với mục tiêu bước đầu phục vụ nhu cầu sản xuất của VNPT cũng như nội địa, dần dần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“VNPT nhận thức rõ rằng bán dẫn không chỉ là nền tảng của công nghệ AI mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội lớn trong các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông và năng lượng mới. Định hướng phát triển 3-5 năm tới, VNPT xem AI và bán dẫn là hai lĩnh vực chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn dài hạn của Tập đoàn”, đại diện VNPT nói.
Tuy nhiên, theo ông Cường, để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ở 2 lĩnh vực này, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam luôn luôn phải đối mặt với nhiều thách thức về cả nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn dữ liệu và hạ tầng phục vụ nghiên cứu phát triển mô hình AI mới.
Đại diện VNPT cho rằng, để thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Việt Nam cần sớm thực hiện một số nhiệm vụ như xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp công nghệ cao. Nhà nước và doanh nghiệp đồng hành xây dựng các trung tâm tính toán hiệu năng cao của quốc gia. Thúc đẩy đầu tư, phát triển nhân lực AI thông qua tăng chỉ tiêu đào tạo nhân lực AI của các trường đại học trong nước, thu hút nhân lực từ nước ngoài thông qua các cơ chế ưu đãi cao cấp. Cuối cùng là tập trung vào AI chuyên sâu cho ngôn ngữ, văn hóa Việt và AI tại biên.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ, AI đang là xu hướng phổ biến trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã triển khai nhưng mức độ áp dụng còn khiêm tốn, đặc biệt là hạ tầng AI tại nước ta còn khá sơ khai, việc sở hữu thiết bị tính toán mạnh GPU gặp nhiều khó khăn do chi phí cao, việc xin giấy phép nhập khẩu khó khăn, hạ tầng data center chưa đáp ứng để triển khai GPU với công suất lớn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng số cho trí tuệ nhân tạo đòi hỏi những quyết định đầu tư lớn và phức tạp.
Trong lĩnh vực bán dẫn, Viettel đang được giao nhiệm vụ báo cáo Bộ Quốc phòng đề án xây dựng một nhà máy sản xuất chip quy mô vừa và nhỏ. “Đây là nhiệm vụ quan trọng vì trước đến nay các công ty tại Việt Nam chúng ta đang tập trung vào lĩnh vực thiết kế, đóng gói", đại diện Viettel chia sẻ và cho biết thêm, lĩnh vực sản xuất chip là một bước đi đột phá để tạo tiền đề cho sự phát triển sau này.
![]() |
Dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. |
Doanh nghiệp này mong muốn, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 57, sẽ có nhiều hơn các cơ chế, chính sách thực tiễn để Viettel và các doanh nghiệp khác có thể tham gia nhiều hơn nữa vào các khâu như xây dựng nhà máy sản xuất chip, thiết kế chip, đóng gói các sản phẩm chip để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm của khu vực về bán dẫn, không chỉ phục vụ trong nước mà đi ra toàn cầu.
Sớm giải bài toán dữ liệu
Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, để AI có thể phát triển mạnh mẽ cần một hệ thống dữ liệu đầy đủ, chính xác, có khả năng tích hợp. “Chỉ khi có dữ liệu đầy đủ, chính xác thì AI mới thông minh và có khả năng tư vấn chính xác”, ông nói và cho biết thêm, hệ thống cơ sở dữ liệu ở Việt Nam đang tồn tại rất nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng tích hợp, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành địa phương thành cơ sở dữ liệu quốc gia. Vì vậy, để có thể phát triển AI ở Việt Nam, vấn đề đầu tiên là xây dựng dữ liệu quốc gia đầy đủ, chính xác và có khả năng tích hợp.
Để giải quyết bài toán này, nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần xây dựng ngay một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở dữ liệu. “Hiện nay có tình trạng mạnh ai nấy làm, không có sự thống nhất về cấu trúc, độ mở, quyền truy cập và sử dụng, đến lúc cần tích hợp thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thì rất khó”, nguyên Bộ trưởng cho hay. Ông Quân đồng thời cho biết thêm, Quy chuẩn Việt Nam về dữ liệu quốc gia sẽ quy định về độ mở (dữ liệu nào dùng chung, dữ liệu nào thuộc bí mật doanh nghiệp, cơ quan nhà nước), quy định chung về cấu trúc, quyền truy cập, sử dụng. Khi đó các hệ thống dữ liệu lớn mới có khả năng tích hợp liên thông thành dữ liệu quốc gia. “Bước đầu phải làm dữ liệu thật tốt, có trung tâm dữ liệu quốc gia, tích hợp cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân, có cơ chế xây dựng dữ liệu một cách tự động. Sau đó mới nghĩ đến các nền tảng công nghệ để quản lý, từ hệ thống giám sát đến hệ thống phân tích, đánh giá, tổng hợp dữ liệu”, TS Nguyễn Quân nói.
Trong lĩnh vực bán dẫn, theo TS Nguyễn Quân, gốc rễ của vấn đề nằm ở vật liệu. Chúng ta nói nhiều đến thiết kế vi mạch nhưng nếu không có vật liệu thì thiết kế xong không thể làm vi mạch.
Nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định lĩnh vực vật liệu của Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn. Vì vậy, muốn phát triển ngành bán dẫn, việc đầu tiên là phải phát triển ngành vật liệu, sau đó mới đến thiết kế, chế tạo và ứng dụng. Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất để quyết định định hướng phát triển của ngành bán dẫn là thị trường.
“Việt Nam cần giải bài toán thị trường, tìm được thị phần có tiềm năng trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan, Trung Quốc… đang thống lĩnh thị phần. Vì vậy, việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn còn nhiều thách thức cần những người chỉ đạo điều hành phải quan tâm”, TS Quân nói.