Nhảy đến nội dung

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 được lấy ý kiến nhân dân

Sáng 6.5, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 đã công bố dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân.

Theo đó, dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 dự kiến sửa đổi 8 điều gồm điều 9, 10 (thuộc chương 1 về chế độ chính trị), điều 84 (thuộc chương V về Quốc hội); các điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc chương 9 về chính quyền địa phương).

Cụ thể, tại điều 9 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo nghị quyết đã bổ sung nội dung: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước.

Đáng lưu ý, dự thảo nghị quyết cũng xác định rõ các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Dự thảo nghị quyết cũng sửa đổi khoản 3 tại điều 9, nêu rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của mỗi tổ chức.

Tại điều 10 về Công đoàn Việt Nam, so với Hiến pháp 2013, dự thảo nghị quyết đã bỏ nội dung Công đoàn Việt Nam được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đồng thời xác định rõ Công đoàn trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, bổ sung chức năng "đại diện cấp quốc gia" trong quan hệ lao động và quốc tế; nhấn mạnh thêm vai trò kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền, vận động người lao động.

Tại điều 84 về các cơ quan được quyền trình luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết đã bỏ cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khỏi các cơ quan có quyền trình dự án luật, pháp lệnh.

Về các quy định tại chương 9 về chính quyền địa phương, dự thảo nghị quyết đã bỏ quy định về đơn vị hành chính cấp huyện, và sửa đổi thành: các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định rõ: việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.

Tại điều này, dự thảo nghị quyết đã bỏ quy định phải lấy ý kiến nhân dân địa phương khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ, việc sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực từ 1.7. Từ ngày có hiệu lực sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Chỉ định nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh sau sáp nhập thế nào?

Cũng theo dự thảo nghị quyết, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐNĐ, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; không bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Thủ tướng Chính phủ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Thường trực HĐND cấp xã chỉ định ủy viên UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Xem tài liệu chi tiết lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 2013 dưới đây: