Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Đột phá thể chế

TP - Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với nhiều chủ trương, chính sách mang tính đột phá, cởi trói, tháo gỡ điểm nghẽn. Ngày 19/02/2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Để thể chế hóa chủ trương, chính sách, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, được thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Báo Tiền Phong triển khai loạt bài tương tác với Dự thảo Luật này.
Bài 1: Ngành Tài chính, Nội vụ phải vào cuộc
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) có nhiều chính sách “cởi trói” cho ngành KHCN và hoạt động ĐMST. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, nền KHCN Việt Nam chỉ thực sự cất cánh nếu thay đổi đồng bộ các quy định liên quan đến cơ chế tài chính và chính sách đãi ngộ.
Cởi trói chính sách, thu hút nhân tài
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định mới mang tính “cởi trói”: ưu tiên cấp phát kinh phí ngân sách qua cơ chế quỹ phát triển KH&CN, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu. Một số quy định nổi bật như, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm.
![]() |
Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm Trí tuệ Môi trường, Trường Đại học VinUni. |
Dự thảo Luật cũng xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu có nguồn gốc ngân sách nhà nước. Người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp. Đây là cơ chế nhằm “cởi trói” cho tình trạng kết quả nghiên cứu cất ngăn kéo trong nhiều năm qua.
Dự thảo Luật bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được.
![]() |
Hoạt động nghiên cứu tại Trường Đại học KH&CN Hà Nội. |
Dự Luật cũng bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động KHCN và ĐMST, qua đó quy định cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài, đồng thời đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ KH&CN điều phối kinh phí đầu tư công cho KH&CN để tăng cường tiềm lực nghiên cứu, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, đặc biệt tập trung cho công nghệ chiến lược.
Đồng thời, có cơ chế cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, cũng như chia sẻ quyền sử dụng từ các cơ sở khác đối với các phòng thí nghiệm dùng chung. Nhà nước chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ phát triển công nghệ chiến lược, các công nghệ có tác động lớn đến ngành, lĩnh vực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Ba vấn đề cần tháo gỡ
Đánh giá cao Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội cũng như dự thảo Luật KHCN và ĐMST, các chuyên gia cho rằng, để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, cần giải quyết được vấn đề rất lớn là sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện nay.
Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều nội dung Nghị quyết 57 đã được thể hiện trong Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa” năm 2012, Luật KH&CN sửa đổi năm 2013, tiếp đó là một hệ thống các nghị định, thông tư để thể chế hóa các vấn đề của Nghị quyết 20.
Tuy nhiên trên thực tế, Nghị quyết 20 khó đi vào được cuộc sống bởi ba lý do. Thứ nhất là không có Ban chỉ đạo do người đứng đầu Đảng và Nhà nước trực tiếp chỉ đạo với quyết tâm rất cao và sự chỉ đạo quyết liệt.
Thứ hai là hệ thống luật pháp không đồng bộ và không được nghiên cứu sửa đổi kịp thời cho đồng bộ với Luật KH&CN 2013. Luật Ngân sách nhà nước, các Luật thuế, Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật quản lý sử dụng tài sản công…có những quy định không phù hợp với Luật KH&CN. Ví dụ, Luật Ngân sách nhà nước không chấp nhận đầu tư rủi ro, mạo hiểm trong khi đó bản thân hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ là hoạt động đi tìm cái mới, có thể thành công, cũng có thể thất bại. Chính vì vậy, dù đã có thông tư hướng dẫn khoán chi đến sản phẩm cuối cùng nhưng không phải nhà khoa học nào cũng sẵn sàng chấp nhận hình thức này vì pháp luật chưa bảo vệ họ nếu kết quả nghiên cứu không thành công. Hay Luật Viên chức không cho các nhà khoa học được thành lập và điều hành doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu của mình.
Thứ ba, theo TS Nguyễn Quân, cơ quan quản lý khoa học và tài chính chưa thay đổi tư duy quản lý theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Ví dụ cơ chế quỹ trong cấp phát kinh phí tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đã có thông tư hướng dẫn nhưng các cơ quan quản lý vẫn áp dụng cách quản lý cũ như quản lý xây dựng cơ bản và yêu cầu hóa đơn, chứng từ như dự toán khi quyết toán.
Với Nghị quyết 57, theo TS Nguyễn Quân, vấn đề thứ nhất đã được khắc phục. Bên cạnh Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số do đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu còn có Hội đồng tư vấn gồm nhiều chuyên gia. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đồng bộ hóa hệ thống pháp luật. “Nếu không đồng bộ hóa được các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu với Luật KH&CN thì các chủ trương, chính sách dù tốt đến đâu cũng không thể vào được cuộc sống”, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa, theo TS Nguyễn Quân, là thay đổi tư duy cho toàn bộ hệ thống chính trị, làm sao để các bộ ngành, địa phương và nhà khoa học quyết tâm đổi mới, nhất là các cơ quan quản lý vốn đã quen với cách làm việc cũ mấy chục năm nay. “Việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nếu có sự đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sự cởi trói của hệ thống pháp luật thì tôi tin trong khoảng một nhiệm kỳ mọi việc sẽ đi vào quỹ đạo và chúng ta sẽ có được một nền tảng KHCN tương thích”, TS Quân nói.
Theo TS Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hệ thống văn bản về hoạt động KHCN hiện nay thiếu đồng bộ, trình tự thủ tục còn phức tạp, cơ chế phối hợp, chuyển giao, thương mại hoá kết quả nghiên cứu chưa rõ ràng, đặc biệt thiếu cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao và chia sẻ quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu.
TS Long cho rằng, cơ chế quản lý hoạt động KHCN còn chậm đổi mới, mang nặng tính hành chính, tập trung chủ yếu vào quản lý tài chính, quản lý tiến độ, thủ tục giao nhận nhiệm vụ. Cơ chế phê duyệt dự toán kinh phí nhiệm vụ còn phức tạp và quá chi tiết. Ông đề xuất, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thể chế hoá đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật, với trọng tâm là tháo gỡ các điểm nghẽn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đã được đề cập nhiều năm qua.
Mong sớm đẩy nhanh cơ chế Quỹ
Cộng đồng nhà khoa học bày tỏ mong muốn áp dụng cơ chế Quỹ cho hoạt động nghiên cứu KH&CN để phù hợp với đặc thù của ngành, thông lệ quốc tế, thay vì cơ chế tài chính thông thường đang áp dụng hiện nay vốn tồn tại rất nhiều bất cập.
Theo TS Nguyễn Quân, cơ chế Quỹ là việc bố trí kinh phí ngân sách theo tỷ lệ phân bổ của Quốc hội mà không đòi hỏi phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu trước rồi mới cấp tiền theo danh mục nhiệm vụ. Tránh tình trạng như hiện nay, các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu phải đưa vào dự toán từ năm trước, đến năm sau, thậm chí năm sau nữa mới được cấp kinh phí, điều này không phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học. Thứ hai là, quyết toán một lần theo hợp đồng khi kết thúc nhiệm vụ, không quyết toán theo năm tài chính. Ba là thực hiện chuyển nguồn tự động hàng năm.
“Hiện nay việc giao kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu như xây dựng cơ bản đang rất bất cập, không đáp ứng được tính thời sự và tiến độ nghiên cứu. Quy định đó làm các nhà khoa học khốn khổ”, TS Quân nói.