Dư luận Indonesia dậy sóng với phát ngôn 'vạ miệng' của bộ trưởng

Các kế hoạch và phát ngôn gây tranh cãi của Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin đã làm dấy lên lời kêu gọi miễn nhiệm vị quan chức này.
![]() |
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin. Ảnh: Reuters. |
Theo kênh truyền hình Channel News Asia (CNA), Bộ trưởng Budi Gunadi Sadikin gần đây đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ công chúng vì những phát biểu gây tranh cãi, chẳng hạn như ông nói rằng những người có thu nhập cao hơn thì “khỏe mạnh và thông minh hơn”.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, bất chấp những phản ứng trái chiều về các chính sách và việc thiếu nền tảng y tế của ông, Tổng thống Prabowo Subianto có thể giữ ông lại.
Một số chính sách của Bộ trưởng Y tế Indonesia như cho phép các bác sĩ đa khoa thực hiện phẫu thuật sinh nở nguy hiểm hay tuyên bố gây tranh cãi những người đàn ông mặc quần jean cỡ lớn hơn sẽ “gặp Chúa sớm hơn” đã khiến một số người kêu gọi ông từ chức.
Tính đến tối 21/5, một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi miễn nhiệm ông Budi Gunadi Sadikin đã thu hút được hơn 8.600 chữ ký kể từ khi đơn kiến nghị xuất hiện vào ngày 4/5.
“Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Y tế đã ban hành nhiều chính sách và tuyên bố không có lợi cho người dân, không dựa trên dữ liệu khoa học và làm giảm uy tín của các chuyên gia y tế”, bản kiến nghị nêu rõ.
Ngày 14/5, trong phiên điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Budi tiết lộ Bộ Y tế Indonesia đang xây dựng một quy định cho phép các bác sĩ đa khoa ở các vùng nông thôn xa xôi thực hiện phẫu thuật lấy thai để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ sản phụ khoa ở các nơi đó.
Kế hoạch của bộ ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ Hiệp hội Bác sĩ Indonesia và Hiệp hội Bác sĩ sản phụ khoa Indonesia. Hai hiệp hội đều nhấn mạnh rằng một thủ thuật như vậy là "phức tạp và rủi ro", cũng như không nên được thực hiện bởi các bác sĩ không được đào tạo chuyên môn.
Cùng ngày, Bộ trưởng Budi nhận xét những người đàn ông mặc quần jean cỡ 33 inch trở lên "chắc chắn là béo phì" và dễ tử vong khi ông tham dự lễ ra mắt sáng kiến y tế mới nhằm giúp đỡ người cao tuổi ở Jakarta.
Các chính sách và phát ngôn gây tranh cãi của Bộ trưởng Budi đã dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu chức vụ y tế hàng đầu của Indonesia có nên dành riêng cho các chuyên gia có nền tảng y khoa hay không.
Trong vài ngày qua, các giảng viên từ ba trường đại học công lập lớn nhất của Indonesia bao gồm Đại học Indonesia của Jakarta, Đại học Padjadjaran của Tây Java và Đại học Airlangga của Đông Java đã viết thư ngỏ cho Tổng thống Prabowo Subianto, yêu cầu ông xem xét lại hiệu quả công việc và chính sách của ông Budi.
Hiệp hội cựu sinh viên Khoa Y của Đại học Indonesia cũng lên tiếng yêu cầu Bộ trưởng Y tế từ chức. "Một số chính sách và tuyên bố của ông Budi đã vượt quá giới hạn”, trang truyền thông địa phương Tempo dẫn lời Wawan Mulyawan, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh và là chủ tịch hiệp hội.
Các nhà phân tích cho biết mức độ nghi ngờ năng lực mà các chuyên gia y tế và học giả thể hiện đối với người đứng đầu bộ y tế Indonesia là đáng lo ngại vì nó ảnh hưởng đến cách các chính sách của chính phủ được thực hiện trên thực tế.
"Nếu sự ngờ vực này kéo dài, chất lượng dịch vụ y tế mà người dân nhận được sẽ gặp rủi ro", Dicky Budiman, một chuyên gia y tế cộng đồng từ Đại học Yarsi của Jakarta, nói với CNA.
Vào năm 2020, ông Budi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế dưới thời chính phủ Tổng thống Joko Widodo và được Tổng thống Prabowo tái bổ nhiệm sau khi ông lên nắm quyền vào tháng 10 năm ngoái.
Trước đây làm việc trong lĩnh vực ngân hàng có bằng vật lý hạt nhân, ông Budi là Bộ trưởng Y tế thứ hai ở Indonesia không phải là bác sĩ cũng không phải là chuyên gia y tế công cộng.
Người đầu tiên là Mananti Sitompul, một kỹ sư xây dựng, đã tạm thời giữ chức vụ này trong vài tháng từ tháng 12/1948 đến tháng 3/1949.
Một số chuyên gia cho biết kiến thức tài chính của ông Budi là một lợi thế trong thời kỳ hỗn loạn của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau Covid-19, kinh nghiệm và chuyên môn vẫn là điều kiện quan trọng đối với người đứng đầu bộ y tế.
"Trong đại dịch Covid-19, ông Budi là người phù hợp cho vị trí này vì Indonesia cần một người có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và có kỹ năng quản lý tốt. Nhưng đã đến lúc vị trí Bộ trưởng Y tế phải được trao lại cho những người hiểu rõ về lĩnh vực (y tế)", chuyên gia Dicky cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảm thấy rằng việc cách chức ông Budi là không thỏa đáng.
“Bộ trưởng Budi không phải là thành viên Nội các duy nhất đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi. Ông ấy thậm chí không phải là bộ trưởng y tế đầu tiên ở Indonesia đưa ra những tuyên bố và chính sách gây tranh cãi. Ở nhiều quốc gia khác, vị trí bộ trưởng y tế không chỉ dành cho những người có nền tảng y tế vì điều quan trọng là tư duy chiến lược và kỹ năng quản lý của họ”, Windhu Purnomo - một chuyên gia y tế công cộng làm việc tại Đại học Airlangga - cho biết.
Theo nhà phân tích chính trị Hendri Satrio làm việc tại Đại học Paramadina Jakarta, bất chấp những tranh cãi, Tổng thống Budi đã chứng minh cho Tổng thống Prabowo thấy rằng ông có thể thực hiện một số mục tiêu và lời hứa trong chiến dịch của tổng thống như sáng kiến kiểm tra sức khỏe miễn phí được triển khai vào tháng 2 và nâng cấp hàng nghìn cơ sở chăm sóc sức khỏe ở các vùng xa xôi.
"Trong tương lai, ông ấy nên tập trung vào những gì mình làm tốt nhất, lo lắng về các vấn đề chiến lược và quản lý và để các vấn đề kỹ thuật, y tế cho thứ trưởng Dante Saksono cũng như những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế. Đó là cách duy nhất để lấy lại lòng tin và sự ủng hộ của công chúng và các chuyên gia y tế. Nếu không có sự ủng hộ của họ, không chính sách nào của chính phủ có thể được thực hiện thành công", chuyên gia Windhu nói.