Nhảy đến nội dung
 

Dù lỡ thi trượt lớp 10, cuộc đời còn nhiều hướng đi

"Cuộc đời có nhiều hướng đi, quan trọng là mình sống tốt và tử tế với năng lực thực sự của bản thân", một người bạn tôi đã khuyên con anh ấy như thế khi cháu trượt tất cả các nguyện vọng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Bài viết dưới đây của thầy Lê Tấn Thời, giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn (Chợ Mới, An Giang) chia sẻ góc nhìn về những lựa chọn cho học sinh nếu các em không đỗ vào các trường THPT công lập. 

Những ngày này, khi nghe thông tin liên quan đến tuyển sinh lớp 10 và công tác phân luồng, tôi bất chợt nhớ đến câu chuyện cách đây không lâu từ một người bạn của mình. 

Năm đó, bạn tôi có con đang học lớp 9, chuẩn bị tham gia kỳ thi vào lớp 10. 

Vào cuối năm học, khi thực hiện công tác phân luồng trước dịp đăng ký các nguyện vọng thi vào lớp 10, giáo viên chủ nhiệm khối 9 đã tổng hợp ý kiến từ nhiều nguồn - giáo viên bộ môn, cán bộ lớp, nhận xét của học sinh cùng lớp… để từ đó đưa ra những đánh giá cơ bản nhất về năng lực học sinh, nhằm định hướng cho các em những hướng đi thích hợp sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS).

Sau khi được cô giáo tư vấn và nhận thấy năng lực của con chưa thực sự tốt, bạn tôi vẫn hỏi ý kiến con và tôn trọng quyết định của cháu: Thi để biết khả năng của mình đến đâu. Khi kết quả công bố, biết mình không đủ điểm đỗ vào bất cứ nguyện vọng trường công lập nào, em cảm thấy chán nản và có ý định nghỉ học. Sau thời gian để con lắng đọng lại với những suy nghĩ của bản thân, người chồng cùng vợ đã tư vấn cho con chọn vào trường nghề. Theo anh, tại đây, con mình có thể vừa học nghề vừa học văn hóa để có tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).

Xin nói thêm, gia đình bạn tôi đang có một cửa hàng bán phụ tùng kiêm bảo trì và sửa chữa ô tô và định hướng, con theo học nghề sửa chữa ô tô để nội nghiệp bố sau này.

Người bạn tôi phân tích cho con mình rằng: Hiện tại, nếu nghỉ học, con chỉ có thể phụ giúp cha mẹ mà chưa đủ năng lực để tự điều hành công việc. Ngay cả sau này, với trình độ lớp 9, hiểu biết còn hạn chế, con sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn mở rộng kinh doanh. Trong khi đó, nếu con tốt nghiệp THPT thì sẽ có nhiều cơ hội để phát triển công việc kinh doanh của gia đình. Ở một góc độ khác, không phải việc làm ăn của bố mẹ lúc nào cũng thuận lợi, vì vậy con cái cần có một nghề nghiệp vững chắc để tự lo được cho bản thân. Hơn thế nữa, khi con đang có điều kiện tiếp tục học THPT, tại sao lại nghỉ? Nếu sau này gặp lại bạn bè được học hành đến nơi đến chốn thì con có cảm thấy tự trách bản thân không?

Qua nhiều buổi nói chuyện, cuối cùng bạn tôi đã thuyết phục được con học nghề và gia đình có chung niềm vui trong việc định hướng cho con.

Vào THPT không phải là con đường duy nhất đối với học sinh tốt nghiệp THCS. Với những em có tư duy học tập tốt, việc thi tuyển sinh lớp 10 và có một chỗ chính thức trong các trường công lập hay tư thục là một điều hiển nhiên. Khi ấy cha mẹ cần động viên và tiếp sức giúp các em biết cách sắp xếp khoa học giữa việc học tập và thư giãn để có kết quả tốt trong kỳ thi. Với những học sinh chưa thực sự yên tâm với năng lực của mình trong việc thi vào lớp 10, phụ huynh nên động viên để các em tham gia học nghề.

Ở góc độ kinh tế, nếu các em này may mắn trúng tuyển vào lớp 10 nhưng sau đó vì không đủ năng lực nên không thể tiếp tục việc học ở bậc THPT và phải bỏ giữa chừng thì sẽ là một sự lãng phí rất lớn. Chi phí để lo cho con em đến trường trong một năm học không hề nhỏ với những gia đình có thu nhập thấp hay với cả những gia đình công nhân viên chức. Tất cả sẽ là con số không cho học sinh khi các em bỏ học giữa chừng ở bậc THPT bởi năng lực không đáp ứng yêu cầu của chương trình học tập.

Trong khi đó, nếu học nghề, sau 3 năm, các em được cấp chứng chỉ và có thể tìm việc phù hợp với khả năng thông qua giới thiệu của nhà trường hay tại địa phương. Hiện nay, không ít cơ sở giáo dục đào tạo nghề có cam kết đầu ra hay tư vấn giới thiệu việc làm cho học viên, vì vậy phụ huynh và học sinh có thể yên tâm.

Ở giai đoạn 4.0 hiện nay, phụ huynh nên thay đổi tư duy và những cách ứng xử còn bị ảnh hưởng từ nền giáo dục phong kiến hay những tập quán, thói quen trong cộng đồng qua nhiều thế hệ với tâm lý trọng thầy hơn trọng thợ. Có được một việc làm ổn định và phát triển năng lực chính đáng của bản thân là tư duy tích cực nên được các bậc phụ huynh thấm nhuần, để từ đó kết hợp cùng nhà trường có định hướng đúng cho con em mình sau tốt nghiệp THCS.

Không vào được lớp 10 công lập không có nghĩa là cánh cửa tương lai đóng lại. Cuộc đời luôn có nhiều hướng đi, điều quan trọng là mỗi người biết sống tử tế và nỗ lực không ngừng trên hành trình của mình.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn