Dữ liệu trên cloud, bạn có thật sự quản lý?

Bạn tạo ra dữ liệu và lưu nó lên cloud. Nhưng nếu một ngày bạn bị khóa quyền truy cập thì liệu dữ liệu ấy còn là của bạn nữa không?
Trên lý thuyết, hầu hết các nền tảng cloud lớn đều khẳng định rằng người dùng vẫn giữ quyền sở hữu với nội dung mà họ tải lên. Điều khoản sử dụng dịch vụ (TOS) của các công ty như Google, Apple hay Microsoft đều viết rõ ràng: "Người dùng giữ toàn quyền sở hữu dữ liệu của mình". Tuy nhiên, việc nắm quyền sở hữu về danh nghĩa không đồng nghĩa với việc người dùng có toàn quyền kiểm soát dữ liệu ấy.
Thực tế cho thấy quyền truy cập, quyền duy trì và cả việc sử dụng dữ liệu đều phụ thuộc vào điều kiện kỹ thuật và chính sách từ phía nhà cung cấp dịch vụ. Một khi tài khoản bị khóa, bị hạn chế do vi phạm chính sách (kể cả vô tình), hoặc đơn giản là khi nền tảng ngừng cung cấp dịch vụ, người dùng hoàn toàn có thể mất quyền truy cập vào chính những dữ liệu do mình tạo ra.
Cloud không phải két sắt và bạn không giữ chìa
Không ít người từng "mất trắng" khi tài khoản cloud đột ngột bị khóa vì bị gắn cờ vi phạm nội dung. Dữ liệu bị đóng băng, quyền truy xuất bị chặn, và mọi thứ lưu giữ từ hình ảnh gia đình đến hồ sơ công việc bỗng biến mất không dấu vết.
Sự thật là: khi bạn lưu trữ trên cloud, bạn đang thuê không gian từ một nhà cung cấp, và chìa khóa của "kho dữ liệu" ấy nằm trong tay họ. Bạn có thể truy cập khi mọi thứ suôn sẻ, nhưng không thể tự mở cửa nếu bên kia quyết định đóng lại.
Nghiêm trọng hơn, trong một số trường hợp pháp lý, dữ liệu còn có thể bị truy xuất hoặc chia sẻ với bên thứ ba mà bạn không hề hay biết. Đó chính là lằn ranh giữa "sở hữu danh nghĩa" và "mất kiểm soát thực tế".
Cloud nội hay ngoại: Ai nắm quyền lực dữ liệu?
Tại Việt Nam, việc sử dụng cloud không còn là lựa chọn cá nhân, mà đã trở thành xu hướng mặc định trong đời sống và công việc. Tuy nhiên, phần lớn thị phần vẫn thuộc về các dịch vụ nước ngoài như Google, Microsoft hay Amazon Web Services.
Các nền tảng cloud nội địa như VNPT Cloud, Viettel Cloud hay VNG Cloud đang phát triển nhanh chóng về hạ tầng, song vẫn gặp khó khi xây dựng hệ sinh thái đủ cạnh tranh và thu hút niềm tin của người dùng cá nhân.
Trong khi đó, các quy định pháp lý như Luật An ninh mạng hay Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã nêu rõ trách nhiệm lưu trữ dữ liệu quan trọng trong nước. Nhưng một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: người dùng cá nhân có thực sự được bảo vệ và nắm quyền kiểm soát với dữ liệu của mình hay không?
Thực tế cho thấy phần lớn người dùng chỉ đơn giản tin rằng "của mình thì mình giữ", mà không lường trước tình huống bị cắt quyền truy cập vào chính tài sản số của mình.
Dữ liệu không còn nằm trong thiết bị cá nhân, không được mã hóa độc lập, không có bản sao dự phòng, đó là ba điểm yếu chí mạng trong kỷ nguyên số hóa hiện nay. Và điều đáng nói là, không phải lúc nào người dùng cũng có lỗi. Một thay đổi nhỏ trong thuật toán, một thay đổi chính sách, hay một hành động tự động từ hệ thống có thể chặn hoàn toàn quyền tiếp cận dữ liệu, dù không có một cuộc tranh luận hay "xét xử" nào.
Dữ liệu ngày nay không chỉ là thông tin, đó là ký ức, công sức, danh tính và cả quyền lực. Nhưng trong thế giới số, quyền lực ấy đang nằm ngoài tay nhiều người mà không ai nhận ra, cho đến khi bị từ chối quyền truy cập chính vào tài sản của mình.
Sự tiện lợi của cloud là không thể phủ nhận, nhưng chính vì quá dễ dàng, nó khiến chúng ta bỏ quên những giới hạn và rủi ro tiềm ẩn. Trong thời đại "sống trên mây", đừng để mọi thứ quan trọng nhất bay khỏi tầm tay bạn chỉ vì chủ quan.