Du lịch Việt Nam - nhìn từ ước mơ của một người thu nhập hạng trung

Việt Nam tươi đẹp với vô vàn danh lam thắng cảnh, từ địa đầu Tây Bắc đến Mũi Cà Mau. Có hai điều chúng ta thường nói đến, đất nước giàu tiềm năng du lịch và nhiều địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhưng chúng ta nói thì các nước cũng nói. Tiềm năng du lịch của họ không thua và đầu tư thì thậm chí còn quyết liệt hơn. Làm thế nào để bắt kịp và để rồi vượt lên họ vẫn là một câu hỏi.
Người viết bài này chọn góc độ của một người có thu nhập mức trung bình, có thời gian và thích đi du lịch. Người thu nhập trung bình muốn đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, tận hưởng từng khoảnh khắc. Người thu nhập trung bình còn muốn, và thực ra là có, khát vọng vươn lên hạng trên trung bình để tận hưởng những gì mình chưa từng tận hưởng.
Thực tế du lịch cũng nhắm vào nhiều đối tượng. Người thu nhập chưa cao và người thu nhập cao; khách trong nước và khách nước ngoài; người "đi cho biết" và người đi tiêu tiền..., do vậy có những sản phẩm du lịch khác nhau.
Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhà chuyên môn, nhiều doanh nhân bàn về điều này, ở góc độ như đã nói, thấy rằng, để có bước bứt phá, không có gì khác hơn là phải có sản phẩm du lịch "bứt phá", nó vừa độc đáo vừa có sức hút để khách quay trở lại.
Có thể dẫn ra nhiều ví dụ có con số thống kê, nhưng nói đơn giản cho dễ hiểu, hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (ở Quảng Bình) là sản phẩm du lịch do thiên nhiên ban tặng, độc đáo, có thể nói là "độc nhất vô nhị".
Một người Mỹ quen biết chúng tôi, khi đến đã nói đùa một câu: "Đến Mỹ cũng không thể nào làm được". Nghĩa là tiềm năng vô tận (chưa kể các sản phẩm khác). Nhưng vì sao Quảng Bình vẫn thua người anh em Quảng Trị về các chỉ số trong lúc Quảng Trị bị cho là nghèo?
Có nhiều nguyên nhân nhưng xét về du lịch, xét về hệ thống hang động kỳ vĩ, thì, du khách đến xem một lần và rất hiếm hoi người quay lại. Du khách đến thì không ở lâu, họ xem rồi về vì dịch vụ phụ trợ đi kèm rất nghèo nàn. Mở rộng ra, du khách đến thăm nhà lưu niệm hay viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lượt đến thì rất nhiều nhưng họ thăm, viếng xong thì đi vào Huế hoặc ra Vinh ở lại.
Mấy năm gần đây Đồng Hới phát triển nhanh nhưng chưa mạnh mảng dịch vụ. Du khách đến không chỉ chiêm ngưỡng thắng cảnh mà còn để mua sắm, hưởng thụ dịch vụ... Các thứ đó chưa tạo ra được. Ví dụ, một trung tâm mua sắm mà du khách đến "có thể mua được cả thế giới" chẳng hạn.
Năm 2000 gia đình tôi vào sống ở Đà Nẵng nên biết. Lúc đó khách du lịch đến Đà Nẵng chưa tới 500.000 người. Nhưng năm 2017, tốc độ tăng trưởng đã đứng đầu châu Á. Năm 2024, khách quốc tế ước đạt hơn 4,1 triệu lượt, vượt 65,8% so với kế hoạch; khách nội địa ước đạt hơn 6,7 triệu lượt, vượt 13,9% so với kế hoạch. Khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 10,9 triệu lượt, tăng 32,8% so với năm 2023, vượt 29,3% so với kế hoạch năm. Một bước phát triển đáng kinh ngạc.
Là vì sao? Là vì Đà Nẵng luôn có thêm những sản phẩm du lịch độc đáo. Ở góc độ bình dân thì ai cũng muốn được xem cầu Sông Hàn quay, ai cũng muốn xem cầu Rồng phun lửa, ai cũng muốn đứng ở Cầu Vàng (Bà Nà) chụp ảnh, đến sàn nhạc nước quảng trường hay ai cũng muốn đi vòng quay Mặt Trời, đến kỳ thì coi pháo hoa quốc tế... Là vì, Đà Nẵng có hệ thống dịch vụ tương ứng.
Ngoài ra, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở Sơn Trà đã trở thành một biểu tượng của nghỉ dưỡng xa xỉ quốc tế, nơi các tỷ phú thế giới gặp nhau... Nó được vinh danh "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới" bởi World Travel Awards. "Người thu nhập hạng trung" đã được bạn mời nghỉ ở đó và mơ ước có dịp sẽ ở và tự trả bằng tiền mình.
Chắc nhiều người đã đến Hạ Long (Quảng Ninh) vì nó quá nổi tiếng. "Người ham đi" đã đến vài lần, tiền phương tiện đi lại thì nhiều nhưng tiền ở lại không nhiều lắm, đó là cái thời Hạ Long vẫn "chưa bài bản". Những năm gần đây du lịch Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ. Năm 2024 đã đón 19 triệu lượt khách, và UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt đề án phát triển du lịch.
Theo đề án, Quảng Ninh phấn đấu trở thành tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Là điểm đến của các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, lễ hội quốc tế; là trung tâm tổ chức hội nghị, hội chợ, triển lãm hay điểm đến "trăng mật" lãng mạn hàng đầu châu Á. Cùng với đó, Quảng Ninh tập trung phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe mang đẳng cấp toàn cầu.
Nói một cách bình dân, muốn chơi thì phải có chỗ chơi. Nói cách khác hơn thì có tiền phải có chỗ tiêu tiền. Con người không chỉ làm mà còn hưởng thụ.
Bạn bè nhóm chúng tôi có sở thích và thu nhập như nhau, ở Đà Nẵng nhưng thỉnh thoảng rủ nhau bằng ngôn ngữ hài hước: "Đi Huế để buồn cho vui đi" và nhảy lên đoàn tàu Di sản đi. Nói buồn là vì Huế giữ nhiều ký ức thời sinh viên. Mà không, ai đã từng ở Huế đi xa đều rất nhớ Huế. Nỗi nhớ thường buồn.
Nói Huế đẹp thì không đúng, mà quá đẹp. Nhưng bao nhiêu năm du lịch vẫn không có bước đột phá. Nói kiểu dân du lịch "bụi" thì "êm rứa". Gần đây mới có thêm vài sản phẩm, không hoành tráng nhưng ấn tượng như cầu gỗ Lim hay cầu Nguyễn Hoàng... thu hút rất nhiều du khách. Đến Huế bây giờ thấy một Huế "thần thái" hơn. Cũng chưa từng thấy đâu đi du lịch tiêu tiền... ít như Huế. Mỗi ngày 200 ngàn ăn vừa no vừa ngon.
Nhưng Huế vẫn thiếu đi một sự đột biến để thu hút khách kiểu như Đại bảo tháp kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek Lâm Đồng, cũng chưa có một trung tâm thương mại - dịch vụ đẳng cấp để người ta tiêu tiền. Thiếu đi một Bạch Mã "phải làm gì đó".
Câu chuyện hơi tản mạn nhưng chỉ muốn diễn đạt một điều, du lịch từ khai thác tiềm năng thiên nhiên ban tặng, từ những gì sẵn có, thì rồi, nhưng phải có điểm độc đáo. Độc đáo ở đây đôi khi chỉ là văn hóa ứng xử của người làm du lịch - dịch vụ và cả cộng đồng.
Cũng không nên "thấy người ta làm gì mình làm đó" vì nó sẽ bảo hòa, bảo hòa thì thất bại. Ở những nơi vốn đã độc đáo rồi thì nên tổ chức, quy hoạch lại để "thu tiền du khách". Sau khi sáp nhập tỉnh thì, điểm mấu chốt không phải là trung tâm hành chính nằm đâu mà là các trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí. Và, phải có những công trình đẳng cấp, những dịch vụ đẳng cấp mà thế giới "chẳng nơi nào có được", buộc người ta phải lựa chọn.