Dự kiến sổ BHXH điện tử thay thế sổ giấy từ năm 2026

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Trong đó, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về sổ BHXH điện tử. Cụ thể, mỗi người tham gia BHXH được cấp sổ BHXH trên môi trường điện tử.
Sổ BHXH điện tử có các thông tin như sổ BHXH bằng bản giấy và được mã hóa theo quy định của pháp luật.
Thông tin trong sổ BHXH điện tử gồm: Mã số bảo hiểm xã hội; thông tin cơ bản về nhân thân gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số căn cước hoặc hộ chiếu; Thông tin về quá trình đóng BHXH (thời gian đóng; căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH và các thông tin liên quan gắn với quá trình đóng như cấp bậc, chức vụ; chức danh nghề, công việc; tên đơn vị; nơi làm việc,...); Thông tin hưởng, giải quyết các chế độ BHXH; Thông tin cần thiết khác có liên quan phục vụ cho việc đóng, hưởng BHXH.
Sổ BHXH điện tử được liên kết với tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 của cá nhân tham gia BHXH. Người tham gia BHXH có thể sử dụng thiết bị điện tử cầm tay trên môi trường điện tử để nhận sổ BHXH điện tử.
Dự thảo nêu rõ, sổ BHXH cấp bằng bản điện tử được cấp chậm nhất là ngày 1/1/2026 và có giá trị pháp lý như sổ BHXH bằng bản giấy.
Theo Bộ Nội vụ, hiện có hơn 621.000 doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, có hơn 36 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, hơn 5,5 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Cơ quan BHXH đã phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID (đã có hơn 16,7 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID), giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ BHYT, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID.
Hiện nay, 100% thủ tục hành chính của cơ quan BHXH đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các dịch vụ công này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức như: Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST...
Cơ quan BHXH đã đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả 7 dịch vụ công, thủ tục hành chính liên thông. Thông qua các dịch vụ công này, toàn ngành BHXH đã tiếp nhận và xử lý, trả kết quả hơn 1,7 triệu hồ sơ hoàn toàn trực tuyến. 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip; đảm bảo đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân, căn cước công dân.
Hơn 119 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân hoặc căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT, góp phần tạo thuận lợi, giảm thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT và chi phí quản lý hành chính. Cho đến nay, khoảng hơn 80% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM.