Nhảy đến nội dung

Dự kiến còn khoảng 3.300 đơn vị cấp xã, ủy viên ban thường vụ tỉnh, thành ủy có thể làm bí thư xã

Theo vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), thống kê chưa đầy đủ, dự kiến sau sáp nhập, cả nước giảm từ 10.035 xuống còn khoảng 3.300 đơn vị cấp xã.

Sáng 28-4, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo về đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Làm ngày, làm đêm, làm xuyên lễ để thẩm định các đề án sắp xếp đơn vị hành chính

Thông tin tại họp báo, Phó chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Đặng Đức Thuận cho biết thời gian qua bộ đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Trong đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ, ban hành quy chế hoạt động và kế hoạch của Chính phủ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thời gian tới sẽ tập trung cao độ tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Trung ương để hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng tờ trình, đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Bộ Nội vụ cũng sẽ đánh giá công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Trong đó, sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ báo cáo tình hình kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Theo nghị quyết 60, Trung ương Đảng đã đồng ý số lượng đơn vị cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố). Đồng ý sáp nhập đơn vị cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị cấp xã so với hiện nay (hiện nay có 10.035 đơn vị cấp xã).

Thông tin tại buổi họp báo liên quan tiến độ thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính, ông Phan Trung Tuấn, vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, cho biết đến thời điểm này cơ bản 52 địa phương cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp đã hoàn thành việc xây dựng đề án.

Với các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương cũng cơ bản hoàn thành.

"Đến nay chúng tôi đã nhận được 20 hồ sơ đề án của các địa phương. Bộ trưởng, lãnh đạo bộ xác định phải làm ngày, làm đêm, làm xuyên lễ, tập trung tối đa bảo đảm tiến độ Bộ Nội vụ trình các đề án lên Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cố gắng phấn đấu trước ngày 10-5 sẽ trình đủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã trong cả nước lên Chính phủ.

Dự kiến phấn đấu ngày 15-5, Chính phủ sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã cả nước sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định", ông Tuấn thông tin.

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm theo định hướng của Trung ương, ông Tuấn nói hiện mới nhận được 20 hồ sơ đề án của địa phương nhưng trước đó đã chủ động, dự liệu số liệu để đảm bảo phù hợp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tổng Bí thư.

"Con số cấp xã còn lại cuối cùng sẽ có khi Bộ Nội vụ thẩm định các đề án do địa phương gửi lên và trình Chính phủ, sau đó hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Nhưng bước đầu, chúng tôi tổng hợp từ các địa phương, dự kiến sau khi sắp xếp giảm khoảng 60-70% thì số xã còn lại là khoảng 3.300 đơn vị cấp xã", ông Tuấn nêu rõ.

Ủy viên ban thường vụ cấp tỉnh có thể làm bí thư cấp xã

Về tiêu chuẩn chức danh của cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp, ông Phan Trung Tuấn cho biết hiện nay Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, trong đó có đề xuất hệ thống công vụ thống nhất trong hệ thống chính trị ở các cấp.

Sau khi dự luật được thông qua sẽ có hệ tiêu chí chung về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có công chức cấp xã. Hiện nay quy định về cán bộ, công chức cấp xã đang được thực hiện theo nghị định 33.

Về phương án nhân sự, khi Đảng ủy Chính phủ xây dựng đề án đã trình Bộ Chính trị xem xét kỹ lưỡng 3 lần trước khi trình Trung ương. Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, trong đó có vấn đề nhân sự, biên chế, trước mắt cơ bản sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay. Lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức cấp huyện chuyển về cấp xã sau sắp xếp.

Theo ông Tuấn, phương án nhân sự được nêu trong kết luận 150 của Bộ Chính trị. Nhưng tinh thần đang thực hiện nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" nên Trung ương chỉ định hướng nguyên tắc chủ trương còn địa phương toàn quyền quyết định bố trí nhân sự của cấp xã.

Ông Tuấn dẫn lại thông tin từ các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cho biết có thể bố trí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm bí thư của 1 phường, đứng đầu cấp ủy của đơn vị hành chính cấp xã mới.

"Không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên, thành ủy viên, mà thậm chí địa bàn quan trọng có thể bố trí đến cả ủy viên ban thường vụ cấp tỉnh để làm người đứng đầu cấp ủy địa phương.

Còn tất cả phương án nhân sự ai làm bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn... sẽ do cấp tỉnh quyết định, chịu trách nhiệm nhưng tiêu chuẩn chức danh sẽ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền", ông Tuấn nêu thêm.