Nhảy đến nội dung

Dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh

Nội dung trên nằm trong dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, được Bộ lấy ý kiến từ ngày 6/5.

Học sinh bị kỷ luật nếu vi phạm Luật Giáo dục, nội quy của trường hoặc cơ quan chức năng. Tùy mức độ, các em ở bậc tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.

Bộ cho biết việc kỷ luật nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn học sinh mắc lỗi, đồng thời giúp đỡ các em nhận thức được cái sai để tự giác điều chỉnh, khắc phục hậu quả. Kỷ luật phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo chủ động, tích cực, khách quan, không định kiến, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, quyền được tham gia của các em.

Cơ quan này nhấn mạnh không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần học sinh.

Quy định gần nhất về khen thưởng, kỷ luật học sinh có từ năm 1988. Trong đó, các hình thức kỷ luật học sinh là khiển trách trước lớp, trước trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm.

Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường học. Các hình thức phê bình trước lớp, trường đã bị bỏ. Mức kỷ luật cao nhất với học sinh là tạm dừng học có thời hạn, thường là 1-4 tuần. Việc này gây tranh cãi trong thời gian qua, đặc biệt với các vụ học sinh đánh, làm nhục bạn.

Nếu quy định mới được thông qua, mức kỷ luật cao nhất với học sinh THCS, THPT là viết bản tự kiểm điểm.

Về khen thưởng, dự thảo thông tư vẫn giữ các hình thức tuyên dương trước lớp, trước trường hoặc tặng giấy khen; bổ sung hình thức tặng thư khen.

Dự thảo về khen thưởng và kỷ luật học sinh được lấy ý kiến đến hết ngày 5/7.

Thanh Hằng