Du khách về núi Bà Đen chiêm bái xá lợi Phật từ Ấn Độ

Phật tử và du khách về núi Bà Đen (Tây Ninh) chiêm bái xá lợi Đức Phật và tham dự lễ dâng đăng cầu nguyện an lạc, hòa bình diễn ra trong suốt 3 ngày 10, 11, 12-5.
Phật tử chiêm bái xá lợi Phật
Trong khuôn khổ đại lễ Vesak 2025, nghi lễ rước xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ được cử hành trang trọng từ đầu giờ chiều ngày 8-5-2025 tại núi Bà Đen.
Xá lợi Đức Phật Thích Ca được tôn trí tại Trung tâm triển lãm Phật giáo trên đỉnh núi Bà từ ngày 8-5 đến 8h sáng ngày 13-5-2025 để Phật tử và công chúng chiêm bái.
Tại núi Bà Đen, Phật tử chiêm bái xá lợi Phật tại không gian triển lãm Phật giáo rộng lớn, nhiều người đến từ sáng sớm đón thời khắc thiêng liêng này, với niềm tin vào sự màu nhiệm và năng lượng an lành.
Hòa thượng Tiến sĩ Ven. T. Dhammaratana - Phó Chủ tịch - Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) chia sẻ: "Núi Bà Đen được chọn là nơi tôn trí xá lợi Phật vì đây là một ngọn núi thiêng liêng. Tại đây có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm đang đứng nhìn Việt Nam và cả thế giới. Ngài ban phước lành cho người dân Việt Nam và cả khu vực, suốt ngày đêm không ngơi nghỉ. Nơi nào có sự hiện diện của Bồ Tát thì nơi đó xứng đáng để tôn trí xá lợi của Đức Phật. Đây là lý do chúng tôi lựa chọn địa điểm này".
Trồng 108 cây bồ đề trên núi Bà Đen
Trong đại lễ, các cao tăng và lãnh đạo phái đoàn Phật giáo từ 80 quốc gia thực hiện nghi thức trồng 108 cây bồ đề tại Thế giới Bồ Đề Viên trên đỉnh núi Bà Đen. Các cây bồ đề này được thỉnh từ Bồ Đề Đạo Tràng - nơi Đức Phật thành đạo.
Mỗi cây được đánh số gắn liền với tên một quốc gia tham dự đại lễ Vesak 2025, tạo nên một vườn bồ đề độc đáo chưa từng có tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch ICDV - Ven. T. Dhammaratana gọi đây là khoảnh khắc sẽ được ghi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam: "Cả ngọn núi như được phủ kín bởi màu vàng của áo cà sa. 108 cây Bồ đề đã được trồng, đưa nơi này thành khu vườn tâm linh cho chư Phật tử và chư Bồ Tát".
Theo truyền thuyết, sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, cây Bồ đề nguyên thủy vẫn còn sống đến thời vua A Dục (Asoka) trị vì Ấn độ 265-232 TCN.
Vị Hoàng đế đã cho xây tường bảo vệ cây và nhân giống, chiết nhánh mang đi trồng khắp nơi. Trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm, cây Bồ đề đến nay vẫn tồn tại và phát triển ngay phía sau tháp Đại Giác cao 51 mét tại Bồ Đề Đạo Tràng được dựng từ thế kỷ I CN.
Lễ thắp nến và dâng đăng cầu nguyện hòa bình thế giới tại quảng trường Tây Bổ Đà Sơn là điểm nhấn của đại lễ Vesak.
Hàng nghìn ngọn nến được thắp sáng trong đêm hoa đăng, tạo nên không gian huyền ảo giữa núi thiêng Bà Đen.
Phát biểu tại lễ thắp nến, Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc xúc động: "Chúng ta đang đứng trên đỉnh núi Bà Đen - nơi trong kinh điển Phật giáo Pali gọi là thiên đàng.
Thiên đàng không phải là nơi phải chờ tới khi nhắm mắt ta mới tới, mà là cảnh giới ta có thể đạt được ngay trong cuộc sống này, đó là cảnh giới của an lạc".
Tại núi Bà Đen, nghi thức dâng hoa đăng diễn ra vào các buổi tối thứ 7 từ lâu đã trở thành một nghi lễ thiêng liêng, một hoạt động văn hoá tâm linh đặc trưng.
Nhân dịp xá lợi Đức Phật được tôn trí tại đỉnh núi Bà Đen, lễ dâng đăng được cử hành liên tiếp trong 3 ngày từ ngày 10,11 và 12-5 (Thứ 7, Chủ nhật, Thứ 2) để Phật tử du khách cùng hướng tâm cầu nguyện hòa bình, an lạc dâng lên Đức Phật.
Trong suốt tháng Vesak 2025, tại núi Bà Đen cũng diễn ra nhiều trải nghiệm văn hoá tâm linh ý nghĩa như: lễ tắm Phật tại quảng trường Tây Bổ Đà Sơn, triển lãm tranh Phật giáo "Về Ngộ", biểu diễn nghệ thuật từ các nghệ sĩ Ấn Độ trong thời điểm tôn trí xá lợi Phật…
Cùng ngắm nhìn các hình ảnh tại buổi lễ trang trọng này: