Đột phá phát triển từ công nghệ số

Quốc hội đang thảo luận để thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là nền tảng pháp lý để phát triển công nghiệp công nghệ số quốc gia, trong đó có công nghiệp bán dẫn, AI.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Xuân Hoài, phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Tài chính, nhận định vướng mắc lâu nay với các ngành công nghiệp, công nghệ mới này vẫn là thể chế, chính sách, khung pháp lý.
Nên việc thông qua hai dự luật quan trọng này nhằm tạo đột phá cho lĩnh vực phát triển công nghiệp, công nghệ số, giúp Việt Nam tiến cùng các nước và vượt lên.
4 trụ cột chính
* Theo ông, sau khi có được nền tảng pháp lý thì chúng ta cần làm những gì để có được hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm tới như mục tiêu Chính phủ đã đề ra?
- Công nghiệp bán dẫn và AI là hai trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việt Nam cũng chủ trương lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số những năm tới nên việc tạo lập một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, AI là rất quan trọng.
Chúng ta giờ mới bắt đầu tham gia vào phát triển công nghiệp bán dẫn, AI trong khi nhiều quốc gia đã đi trước hàng chục năm.
Đi sau nên có nhiều thách thức như làm trùng lắp nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi là tránh được những thử nghiệm thành công của các quốc gia khác, tiếp cận được nền tảng công nghệ về bán dẫn, AI của những nước đi trước, có cơ hội đứng trên vai người khổng lồ, có cơ sở rất tốt để phát triển những ngành công nghiệp mới.
Nhưng để thiết lập được hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam cần thời gian từ 20 - 30 năm là ít. Với việc thiết lập hệ sinh thái AI thì có thuận lợi hơn khi chúng ta có con người và không phải đầu tư quá nhiều hạ tầng phần cứng, có thể tận dụng hạ tầng phần cứng của các quốc gia khác để phát triển các ứng dụng AI.
Để thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, AI tại Việt Nam cần tạo lập 4 trụ cột chính: hạ tầng, nhân lực, doanh nghiệp tham gia, chính sách phát triển.
* Vậy trong 4 trụ cột ông vừa nói, đến nay chúng ta đã làm được gì?
- Chính phủ, Thủ tướng, các bộ và NIC đang tạo ra những không gian phát triển công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, AI như hình thành các trung tâm dữ liệu lớn của Viettel, VNPT, CMC, các khu sản xuất thử nghiệm, vườn ươm, trung tâm ươm tạo phát triển AI, bán dẫn đang đặt tại trụ sở NIC. Đây chính là những hạ tầng tốt cho phát triển công nghiệp bán dẫn, AI.
Đồng thời, Chính phủ cũng đang thực hiện chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, AI, trong đó có đầu tư phòng thí nghiệm cho các trường đại học trọng điểm, các cơ quan tổ chức phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, AI. Chúng ta đang dần đồng bộ hạ tầng cho phát triển công nghiệp bán dẫn, AI.
Về nguồn nhân lực, chúng ta đã đẩy nhanh, mạnh hơn việc đào tạo nhân lực bán dẫn, AI trong 2 - 3 năm vừa qua thông qua mô hình liên kết nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp.
Đặc biệt, với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài như Cadence, Intel, Qorvo, Marvell, FPT, Viettel và các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa, Đại học Giao thông vận tải, Học viện Bưu chính viễn thông.
Với vai trò của mình NIC đã kết nối các bên liên quan và phối hợp với Bộ Ngoại giao Mỹ để triển khai đạo luật chip để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, AI trong nước. Đồng thời, NIC cũng phối hợp với các bên liên quan để cung cấp các suất học bổng tại Đài Loan, Nhật Bản cho sinh viên, giảng viên trong nước.
Việc đào tạo nhân lực bán dẫn, AI cần đẩy nhanh hơn, thúc đẩy liên kết chặt chẽ thực chất giữa nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp để có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn làm chủ được công nghệ phải có con người giỏi thực sự.
Cơ hội Việt Nam rất lớn
* Việt Nam đầu tư vào bán dẫn, AI thì các nước họ cũng làm, trong cuộc đua phát triển những ngành công nghệ mới chúng ta có lợi thế gì, thưa ông?
- Nếu không làm thì không bao giờ tới được đích cả nên chỉ có làm, làm quyết liệt thì mới đạt mục tiêu.
Chúng ta lại có nhiều lợi thế có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn, AI toàn cầu.
Thứ nhất là vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở trung tâm châu Á, xung quanh chúng ta có một hệ sinh thái của ngành công nghiệp bán dẫn đầy đủ, từ thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử.
Thứ hai là đối tượng tiêu dùng cuối cùng của ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử đặt ở Việt Nam, Trung Quốc, các nước xung quanh rất nhiều.
Tại Việt Nam có Foxconn, Apple, Samsung, LG... nên thị trường đầu ra con chip rất lớn.
Thứ ba xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam thời gian qua rất rõ nhờ sự ổn định chính trị, hợp tác quốc tế thuận lợi.
Việt Nam cũng có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia dẫn đầu về công nghiệp công nghệ số.
Thứ tư là nguồn nhân lực của Việt Nam có nền tảng STEM khá tốt nên tham gia vào các ngành công nghiệp bán dẫn, AI khá thuận lợi.
Ngoài ra Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài chính soạn thảo một luật sửa nhiều luật để khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, AI. Mới đây, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết 97 với nhiều cơ chế vượt trội, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bán dẫn, AI.
Tổng hòa các lợi thế, cùng sự quyết tâm của Chính phủ, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia thì lợi thế của Việt Nam là rất lớn, tiến tới làm chủ các lĩnh vực công nghệ mới.
* Yếu tố quan trọng với phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là vốn lớn. Đây là những vấn đề dù mong muốn cũng không thể có ngay được, cần thời gian đầu tư, vậy theo ông cần giải quyết thế nào?
- Đối với doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, AI cần xác định đây là ngành công nghiệp lâu dài, mang lại giá trị cho quốc gia, chứ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Nên doanh nghiệp phải đầu tư dài hạn, Nhà nước cũng phải tạo cơ chế về vốn tốt để doanh nghiệp có thể đầu tư vì mục đích lâu dài cho cả doanh nghiệp, đất nước.
Nếu không tạo ra sự yên tâm trong dài hạn thì doanh nghiệp rất sợ rủi ro, sẽ không chọn đầu tư phát triển công nghệ, mà chọn làm gia công, làm thuê cho các doanh nghiệp bên ngoài, như vậy sẽ không thể có hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn như chúng ta mong muốn.
Giải quyết vấn đề nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn rất cần thiết. Ngoài ngân sách, Nhà nước có thể huy động các nguồn lực quốc tế để tài trợ, viện trợ, góp vốn hoặc cùng doanh nghiệp tư nhân làm công nghiệp bán dẫn.
Ví dụ như thiết lập các tổ hợp phát triển công nghiệp bán dẫn, trong đó có đại diện doanh nghiệp nhà nước, có đại diện doanh nghiệp tư nhân, hình thành một pháp nhân mới để đầu tư công nghiệp bán dẫn, coi đây là chiến lược quốc gia để cùng phát triển.
Thực tế sẽ không có doanh nghiệp Việt Nam nào đủ sức đứng ra làm một nhà máy sản xuất bán dẫn quy mô vài chục tỉ USD nên Nhà nước có thể đứng ra đầu tư giai đoạn đầu, sau đó kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực, quyết tâm, khả năng tài chính cùng tham gia.
Để Nhà nước đứng ra đầu tư giai đoạn đầu cần hình thành các quỹ đầu tư nhà nước, quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ số.
Các quỹ này cần có cơ chế giải ngân thông thoáng bởi các sản phẩm công nghiệp công nghệ số thì sản phẩm không sờ thấy được nên khi giải ngân vốn không nên yêu cầu tài sản thế chấp. Các quỹ đầu tư này đóng vai trò rất quan trọng trong huy động, cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Hoàn thiện luật càng sớm càng tốt
Hầu hết các vị đại biểu Quốc hội đều mong muốn thông qua dự Luật Công nghiệp công nghệ số càng sớm càng tốt nhưng phải đảm bảo khung pháp lý và tạo được sự phát triển đột phá cho công nghệ số.
* Đại biểu TRẦN ANH TUẤN (TP.HCM):
Đề xuất bổ sung khấu trừ thuế cho đầu tư R&D công nghệ số
Dự Luật Công nghiệp công nghệ số đưa ra nhiều quy định về chính sách ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm việc miễn giảm thuế, hỗ trợ về vốn đầu tư, các khoản chi phí liên quan đến công nghệ và nghiên cứu phát triển.
Để hoàn thiện, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tôi cho rằng cần quy định cụ thể tỉ lệ chi ngân sách tối thiểu (hiện đã nêu 3%) và các tiêu chí phân bổ để đảm bảo công bằng giữa các địa phương, tránh tình trạng dồn lực cho một số khu vực trung tâm.
Bổ sung cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân - ví dụ như khấu trừ thuế cho đầu tư R&D công nghệ số; hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước - tư nhân.
Đồng thời, cần quy định rõ hơn về cơ chế giám sát rủi ro và bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, dữ liệu cá nhân, trí tuệ nhân tạo. Có thể học hỏi mô hình "sandbox" của Singapore hoặc Anh...
* Đại biểu PHẠM TRỌNG NGHĨA (đoàn Lạng Sơn):
Cần chính sách đột phá để thu hút nhân tài
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 2023, nhu cầu nhân sự công nghệ số toàn cầu sẽ tăng lên 149 triệu vào năm 2030.
Ở Việt Nam theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đến kỳ họp thứ 8 thì mục tiêu đến năm 2030 đạt 1,8 triệu lao động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Dự Luật Công nghiệp công nghệ số đã đưa ra một số ưu đãi nhằm đào tạo và thu hút nhân lực cho công nghiệp công nghệ số thông qua các chính sách như hỗ trợ học bổng, thu hút chuyên gia nước ngoài, trọng dụng nhân tài.
Nhưng chính sách này cần phải đột phá hơn nữa vì việc thu hút nhân lực, nhất là tài năng công nghệ số, đòi hỏi cạnh tranh quốc tế rất cao, để thu hút được nhân tài quốc tế và tránh việc chảy máu nhân tài trong nước thì các chính sách ưu đãi phải vượt trội, đặc thù, đặc biệt như nghị quyết số 57 đã xác định. Đồng thời các chính sách này phải đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác.
Về trí tuệ nhân tạo, dự luật quy định 4 loại hệ thống trí tuệ nhân tạo, như vậy hệ thống trí tuệ nhân tạo vừa được phân chia theo tiêu chí, mức độ rủi ro vừa được phân chia theo tiêu chí tác động lớn. Tuy nhiên, việc phân chia cần được xác định theo một tiêu chí để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp.
Do đó, đề nghị tham khảo cách thức phân chia theo 4 mức độ rủi ro trong đạo luật về trí tuệ nhân tạo năm 2024 của Liên minh châu Âu để hoàn thiện dự án luật, đó là mức 1 rủi ro không thể chấp nhận là cấm hoàn toàn, mức 2 là rủi ro cao là quy định nghiêm ngặt, mức 3 rủi ro hạn chế là yêu cầu minh bạch và mức 4 là rủi ro thấp thì cho tự do phát triển.
* Đại biểu TRẦN VĂN KHẢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội):
Cần mở rộng phạm vi "sandbox" cho mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới tư duy quản lý, tránh tư duy không quản được thì cấm, mở đường cho công nghệ mới qua cơ chế thí điểm có kiểm soát.
Dự thảo đã có bước tiến quan trọng với quy định cơ chế thử nghiệm nhưng phạm vi thử nghiệm còn quá hẹp, bỏ sót một số đối tượng hoặc nhiều đối tượng trong đổi mới sáng tạo, đồng thời liệt kê nhiều hành vi bị cấm rất chung chung ở điều 12 và đặt thêm một số điều kiện kinh doanh.
Cách quản lý quá thận trọng như vậy sẽ kìm hãm đổi mới sáng tạo, khiến doanh nghiệp e ngại thử nghiệm công nghệ mới tại Việt Nam.
Đối với nội dung này tôi kiến nghị mở rộng phạm vi "sandbox" cho mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới chưa được pháp luật điều chỉnh, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt thử nghiệm và lược bỏ các quy định cấm, điều kiện không thực sự cần thiết.
Đồng thời, cần trao quyền cho Chính phủ tạm thời cho phép thí điểm những công nghệ, mô hình mới, chưa có luật điều chỉnh có thể báo cáo Quốc hội sau, nhằm kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển. Đây là nội dung thứ nhất trong nghị quyết 57, tôi thấy rằng nếu được như thế thì sẽ tốt hơn và luật của chúng ta sẽ có tuổi thọ tốt hơn.