Nhảy đến nội dung

Đột phá mới trong nghiên cứu vắc xin ngừa các chủng cúm nguy hiểm

Các nhà khoa học tại Đại học Hồng Kông có bước đột phá trong việc phát triển vắc xin mới chống lại nhiều chủng cúm như H1N1, H3N2, H5N1 và H7N9.

Tờ South China Morning Post ngày 8.5 đưa tin các nhà khoa học Hồng Kông đã có bước đột phá trong việc phát triển một loại vắc xin cúm mới không cần kim tiêm và có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn chống lại nhiều chủng virus khác nhau.

Khoa Y Lý Gia Thành tại Đại học Hồng Kông cho biết họ đã phát triển 2 cách tiếp cận mới, mỗi phương pháp có những đặc điểm và ưu điểm riêng, dự kiến được sử dụng để tạo ra một loại vắc xin cúm mới trong tương lai.

Giáo sư Leo Poon Lit-man, chủ tịch khoa virus học y tế công cộng, cho biết tác dụng bảo vệ lâu dài của vắc xin mới có thể giúp giảm nhu cầu tiêm vắc xin hằng năm, dù cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để xác định tần suất chính xác.

"Trên chuột, khả năng bảo vệ của vắc xin rất khả quan so với các loại vắc xin cúm giảm độc lực sống khác và vắc xin bất hoạt", ông cho biết.

"Chúng tôi có thể thấy rằng chuột có phản ứng miễn dịch tuyệt vời chống lại các loại cúm khác nhau, bao gồm cả cúm ở người và cúm ở gia cầm. Chúng tôi tin rằng vắc xin của chúng tôi không bắt buộc phải tiêm hằng năm", theo giáo sư Poon.

Giáo sư Poon cho biết cách tiếp cận thứ nhất liên quan việc đưa một gien người có tên là α-1,3-galactosyltransferase, còn gọi là Alpha Gal, vào bộ gen của virus cúm ở người.

Ông cho biết vì con người tự nhiên sản sinh ra kháng thể chống lại Alpha Gal nên vắc xin sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn trong cơ thể họ.

Nghiên cứu phát hiện rằng những phản ứng miễn dịch này sẽ bảo vệ chống lại nhiều phân chủng virus cúm A khác nhau, bao gồm cả H1N1 và H3N2 ở người và các chủng H5N1 ở gia cầm.

Theo cách tiếp cận thứ hai, các nhà nghiên cứu đã sửa đổi mã di truyền của virus cúm ở người thành một mô hình giống như virus cúm gia cầm.

Phó giáo sư Alex Chin Wing-hon, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết các loại virus khác nhau có mã di truyền ưa thích riêng. Bằng cách thay đổi mã di truyền, chúng khó tự sao chép hơn.

Ông cho biết vắc xin cũng sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại các chủng virus cúm A, bao gồm virus H1N1 và H3N2 ở người, cũng như virus cúm gia cầm H5N1 và H7N9.

Theo nhóm nghiên cứu, cần tiến hành thêm các thử nghiệm để xem xét lượng kháng thể cũng như mức độ sụt giảm theo thời gian của vắc xin trên.