Đồng rúp Nga tăng 45% so với USD, hiệu suất tốt hàng đầu thế giới: Con dao hai lưỡi với nền kinh tế chịu trừng phạt?

Đồng rúp đã tăng khoảng 45% so với USD từ đầu năm 2025 đến nay.
Từ đầu năm 2025 đến nay, đồng rúp Nga tăng giá 45% so với đồng USD, trở thành một trong những đồng tiền có hiệu suất tốt nhất thế giới. Nhưng đồng tiền tăng giá lại trở thành con dao hai lưỡi đối với nền kinh tế Nga vốn đang chịu nhiều lệnh trừng phạt.
Đồng rúp mạnh đồng nghĩa doanh thu từ năng lượng tính bằng USD sẽ quy đổi được ít rúp hơn, ảnh hưởng đến ngân sách của Nga. Các doanh nghiệp cũng cho rằng hàng xuất khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua quốc tế.
Tuy nhiên, Thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina lập luận rằng đồng tiền yếu là dấu hiệu của nền kinh tế dễ bị tổn thương. Bà nhấn mạnh tỷ giá không tồn tại chỉ để phục vụ lợi ích của các nhà xuất khẩu, mà phản ánh chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát cao.
Đồng rúp đã tăng khoảng 45% so với USD trong năm 2025. Động lực chủ yếu đến từ chính sách tiền tệ thắt chặt và tâm lý lạc quan sau cuộc đàm phán Mỹ - Nga hồi tháng 2.
Lãi suất tiền gửi bằng rúp cũng tăng vọt lên trên 20%, khiến đồng tiền này trở nên hấp dẫn đối với người tiết kiệm và là một kênh đầu cơ sinh lời. Đồng thời, lãi vay cao đã làm chậm hoạt động nhập khẩu, làm giảm nhu cầu ngoại tệ.
Sự suy yếu của đồng USD kể từ thông báo áp thuế vào tháng 4 cũng đã giúp đồng rúp tăng giá. Chỉ số USD đã giảm 6,6% kể từ thông báo đó.
Dù Nga tuyên bố thả nổi tỷ giá, ngân hàng trung ương vẫn can thiệp bằng cách bán đồng nhân dân tệ để hỗ trợ đồng rúp. Khi rúp mạnh lên so với nhân dân tệ, tỷ giá với USD cũng tăng theo để ngăn chênh lệch giá.
Nhân dân tệ đã vượt USD để trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất tại Nga. Năm 2024, 95% thương mại song phương Nga – Trung được thanh toán bằng nhân dân tệ và rúp. Đồng rúp cũng đã tăng 25% so với nhân dân tệ kể từ đầu năm.
Người dân Nga vẫn coi USD là thước đo chính, dù việc sử dụng nhân dân tệ đang tăng lên. USD và euro tiền mặt vẫn được cung cấp tại một số chi nhánh ngân hàng, nhưng số lượng điểm đổi ngoại tệ đã giảm mạnh so với trước đây. Các biện pháp trừng phạt khiến việc chuyển tiền quốc tế khó khăn hơn, làm giảm nhu cầu với USD tiền mặt.
Nhiều nhà phân tích cho rằng đồng rúp đang bị định giá quá cao, nhưng thực tế vẫn chưa xác nhận điều này. Thị trường kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Nếu điều này xảy ra, lãi suất thị trường sẽ giảm theo, khiến người gửi rút tiền khỏi các khoản tiền gửi bằng rúp. Điều đó có thể làm suy yếu đồng rúp.
Thử thách lớn sẽ xuất hiện vào đầu tháng 9, khi thời hạn 50 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra để Nga có tiến triển trong đàm phán hòa bình Ukraine kết thúc. Nếu Mỹ áp thêm lệnh trừng phạt lên người mua dầu Nga, đồng rúp có thể chịu sức ép mới.
Lần gần nhất đồng rúp giảm mạnh là vào tháng 11/2024, sau khi Mỹ trừng phạt ngân hàng trung gian thanh toán dầu khí Gazprombank.
Theo Reuters