Nhảy đến nội dung
 

Đồng nghiệp như 'xác sống' khi đi làm lại sau kỳ nghỉ lễ

Ở công ty, cứ mỗi khi kết thúc kỳ nghỉ lễ dài ngày, tôi lại thấy các đồng nghiệp của mình đi làm với tâm trạng uể oải. Lý do là bởi trong suốt những ngày nghỉ ấy, họ thường xuyên thức đêm, dẫn đến việc xáo trộn giờ giấc sinh hoạt.

Ngày đầu tiên quay trở lại làm việc, phần lớn các đồng nghiệp của tôi đều mang một tâm trạng đầy lo lắng, mệt mỏi, thiếu sức sống, trông như những xác sống. Dường như họ vẫn còn cảm thấy "ớn ngày lễ". Có người còn quên luôn cả mật khẩu máy tính, email, mất rất nhiều thời gian để ổn định công việc.

Thực ra, trạng thái ù lì, chậm chạp và "ngại làm" sau kỳ nghỉ lễ cũng khá dễ hiểu, nguyên nhân là vì cơ thể chưa kịp thích nghi sau thời gian vui "xả láng". Nhưng công việc thì sẽ không chờ đợi ai và cả tập thể không thể đứng lại chỉ vì bạn. Do vậy, sẽ chẳng có cấp trên nào chấp nhận thái độ làm việc uể oải, thiếu hiệu quả của bạn, làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung.

Theo quan điểm của tôi, sau kỳ nghỉ lễ là thời điểm để các công ty quay trở lại với công việc bận rộn và căng thẳng. Cho nên, việc nhân viên sớm lấy lại động lực làm việc là điều vô cùng cần thiết. Vấn đề làm sao để mỗi người không cảm thấy mệt mỏi, chán việc sau quãng nghỉ dài?

>> Ở nhà 5 ngày nghỉ lễ vì tiền vé máy bay 30 triệu đồng

Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân mình, nhu sau:

Đầu tiên, trước khi đi làm lại khoảng 1-2 ngày, tôi luôn chuẩn bị tinh thần, tâm lý để sẵn sàng quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, tôi học cách chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn với người khác như một cách nhanh chóng lấy lại sự hứng khởi. Bởi sau kỳ nghỉ, ai cũng sẽ có nhiều kỷ niệm vui, buồn, và dù như thế nào thì tôi cũng chia sẻ với đồng nghiệp.

Ngoài ra, tôi còn lên kế hoạch trước cho kỳ nghỉ tiếp theo. Đây là liều thuốc "giải độc" rất hiệu quả để tăng cường năng lượng và cải thiện tâm trạng sau các kỳ nghỉ dài. Lập kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo giúp tôi có thể lên phương án tích lũy để đảm bảo có đủ tài chính, nhưng quan trọng nhất là tôi có điều gì đó để mong chờ.

Từ đó, tôi sẽ có động lực để hoàn thành các mục tiêu tiếp theo của mình, chẳng hạn như: "Nếu làm tốt dự án quan trọng này, tôi sẽ có một chuyến du lịch nữa...". Thế nên, tôi chọn khuyến khích bản thân bằng những chuyến đi trong tương lai.

Hy vọng rằng, những chia sẻ của tôi sẽ giúp mọi người đi làm lại sau kỳ nghỉ lễ kéo dài một cách thoải mái và vui vẻ và luôn có động lực trong công việc. Đó là cách để đạt được mục tiêu đề ra, tránh bị mất động lực làm việc. Còn bạn đã chuẩn bị gì để đi làm trở lại chưa?

Thu Sang