Nhảy đến nội dung

Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển

Sau 23 năm thành lập, H.Đông Hải (Bạc Liêu) đã gặt hái nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển.


Đi lên từ gian khó

Ông Ngô Công Hầu, Bí thư Huyện ủy Đông Hải, cho biết năm 2002, H.Đông Hải được thành lập trên cơ sở chia tách từ H.Giá Rai cũ.

Với đặc thù ven biển, khi mới thành lập, H.Đông Hải gặp rất nhiều khó khăn. Hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu, giao thông chủ yếu là đường đất, đường sỏi và thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa. Hệ thống điện quốc gia chưa bao phủ, nhiều xã vùng sâu, vùng ven biển không có có điện sinh hoạt. Hệ thống trường học, trạm y tế còn thiếu thốn, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh cho người dân. Kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp, đời sống người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và khai thác ven bờ, hiệu quả rất thấp. Nghề nuôi trồng thủy sản tuy có tiềm năng nhưng manh mún, thiếu quy hoạch. Chưa có cơ sở chế biến, hậu cần nghề cá, khiến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản gặp khó khăn.

Cũng vào thời điểm mới thành lập, Đông Hải là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Bạc Liêu, với tỷ lệ hộ nghèo trên 30%. Thiếu việc làm, thu nhập thấp, trình độ dân trí còn hạn chế là những rào cản lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đông Hải cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển và hạn hán. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống người dân.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Ông Ngô Công Hầu cho rằng, dù khởi đầu với muôn vàn khó khăn, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Đông Hải đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những huyện trọng điểm về phát triển kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu.

Đông Hải có chiều dài bờ biển 23 km và 2 cửa sông lớn là Gành Hào và Cái Cùng có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước đạt 203.400 tấn, trong đó sản lượng tôm 117.978 tấn, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao và tăng 4,7% so với năm 2023. Huyện đã tập trung phát triển các mô hình nuôi tôm bền vững như nuôi tôm sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn, nuôi tôm quảng canh cải tiến. Các mô hình này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Huyện đã thu hút nhiều dự án động lực như nhà máy điện gió Đông Hải và các dự án điện mặt trời, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cảng cá Gành Hào được mở rộng và nâng cấp đạt chuẩn cảng loại I, phục vụ hoạt động khai thác và chế biến thủy sản, đồng thời thúc đẩy thương mại và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Nghề làm muối truyền thống với hơn 100 năm lịch sử cũng là một thế mạnh của Đông Hải. Diện tích sản xuất muối đạt 1.306 ha, sản lượng năm 2024 ước đạt 67.349 tấn, vượt 192% kế hoạch. Cánh đồng muối của huyện đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa.

Đến nay, H.Đông Hải đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 10/10 xã, với nhiều xã đạt từ 12 đến 15 tiêu chí. Huyện cũng chú trọng phát triển du lịch, tận dụng các điểm đến như vườn chim tự nhiên ở ấp Lập Điền, các di tích lịch sử và văn hóa, cùng với ẩm thực phong phú để thu hút du khách.

Những thành tựu trên là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H.Đông Hải trong việc khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là kinh tế biển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.