Nhảy đến nội dung
 

Dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát: Không gián đoạn nhiệm vụ sau sáp nhập

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả nước hiện còn 16/34 tỉnh, thành phố đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8.

“Chia lửa” để về đích

TP Đà Nẵng (cũ) là một trong những địa phương về đích sớm chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Khi “về chung một nhà” với tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng (mới) là một trong 16 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành mục tiêu trao mái ấm cho đồng bào. 

Tại thời điểm trước sáp nhập, tỉnh Quảng Nam vẫn còn 368 nhà tạm, nhà dột nát cần phải xóa (tính đến 20/6). Từ ngày 1/7, số nhà tạm, nhà dột nát này được “bàn giao” lại cho TP Đà Nẵng mới.

Việc tỉnh Quảng Nam (cũ) vẫn còn 368 nhà tạm, nhà dột nát chưa được xóa cũng có thể xem là một kết quả rất đáng ghi nhận của địa phương này. Bởi trước khi sáp nhập, đây là một trong những địa phương có số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xóa thuộc diện lớn nhất cả nước với 10.398 nhà, trong đó 6.945 nhà cần xây mới, 3.453 nhà sửa chữa.

Hơn nữa, đại đa số nhà tạm, nhà dột nát cần xóa chủ yếu tập trung ở địa bàn khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Tại thời điểm này, số lượng nhà tạm, nhà dột nát đang trong giai đoạn thi công cũng tập trung chủ yếu ở vùng “lõi nghèo” của thành phố, trong bối cảnh điều kiện thi công, giá cả nguyên vật liệu tăng cao.

Trao đổi với VietNamNet, ông Bríu Quân, Chủ tịch UBND xã A Vương (hình thành sau sáp nhập xã A Vương và xã Bha Lêê của huyện Tây Giang cũ) cho biết, trên địa bàn xã hiện còn 67 nhà đang được thi công. Khó khăn lớn nhất hiện nay là giá cả vật liệu xây dựng quá cao, nhất là với địa hình vùng cao như xã A Vương. 

“Để chuyển cát lên đây xây dựng thì giá thành cũng hơn 1 triệu đồng/m3, chưa kể các vật liệu khác như sắt, thép, xi măng… “, ông Bríu Quân cho biết. 

Theo ông Bríu Quân, xã quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm trong tháng 8/2025. Để đẩy nhanh tiến độ, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hỗ trợ lẫn nhau để sớm hoàn thiện căn nhà mơ ước; đồng thời huy động sự đóng góp của các mạnh thường quân hỗ trợ thêm cho bà con.

Tương tự, tại xã vùng cao Tây Giang mới (được sáp nhập từ 4 xã: Lăng, Atiêng, Anông, Dang của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cũ), trong năm 2025, tổng số nhà tạm, nhà dột nát cần xóa trên địa bàn là 207 căn. Hiện xã đã hoàn thành, bàn giao 175 nhà, còn 32 căn đang thi công và đã đạt trên 80% khối lượng.

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao

Theo số liệu cập nhật gần đây nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát, cả nước hiện còn 16/34 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó có 10 địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị cấp tỉnh từ ngày 1/7.

Trong 10 địa phương thực hiện sáp nhập cấp tỉnh, ngoài một số tỉnh, thành phố đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sáp nhập với địa phương chưa về đích thì cũng có nhiều trường hợp các địa phương chưa hoàn thành mục tiêu cùng “về chung một nhà”. Để tránh tình trạng “hai yếu dựa vào nhau thành yếu bình phương” đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao, không gián đoạn nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát sau sáp nhập.

Tỉnh Tuyên Quang mới (được sáp nhập từ 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang) là một ví dụ. Trước sáp nhập (tính đến ngày 20/6), tỉnh Tuyên Quang (cũ) đã hoàn thành 6.908/6.928 nhà, đạt 99,71% kế hoạch; còn tỉnh Hà Giang đã hoàn thành 7.957/8.971 nhà, đạt 88,7% kế hoạch.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Tuyên Quang (mới), việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; trong đó có nội dung xóa nhà tạm, nhà dột nát. 

“Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, một trong những kinh nghiệm đúc kết được là công tác rà soát phải được tiến hành kỹ lưỡng, sát thực tế, bảo đảm không bỏ sót đối tượng, tránh trùng lặp, chồng chéo. Danh sách các hộ được hỗ trợ phải công khai minh bạch để nhân dân giám sát”, đại diện Sở Dân tộc và Tôn giáo cho hay.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau sáp nhập, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tiếp tục là ưu tiên của tỉnh Tuyên Quang (mới). Tính đến ngày 13/7, toàn tỉnh đã khởi công được 15.868 căn nhà, đạt 100% kế hoạch; trong đó 12.882 căn đã hoàn thành, gần 3.000 căn đang tiếp tục triển khai đúng tiến độ.

Cũng như tỉnh Tuyên Quang, sau hơn 1 tuần vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, 10/16 địa phương thực hiện sáp nhập cấp tỉnh chưa hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát đang dồn lực để “về đích”. Số liệu cập nhật gần đây nhất (ngày 8/7) cho thấy, cả nước đã xóa được 264.522 nhà tạm, nhà dột nát; trong đó đã khánh thành 229.328 căn và khởi công, xây dựng 35.194 căn.

Ngày 16/7, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 367/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/8. Riêng việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ hoàn thành trước ngày 27/7 để tỏ lòng tri ân sâu sắc trước sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng.

Từ nay đến 31/8/2025, cả nước còn 25.232 nhà tạm, nhà dột nát cần xóa; trong đó có 18.799 căn đang xây dựng dở dang và 6.433 căn chưa khởi công. Bình quân mỗi địa phương cần triển khai thực hiện 26 căn/ngày; trong đó khởi công mới gần 7 căn/ngày và hoàn thiện để bàn giao khoảng 19 căn/ngày.

Tính đến ngày 8/7, tổng nguồn lực đã huy động (gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa) đạt trên 17.802 tỷ đồng; huy động trên 113,4 nghìn lượt người với trên 1 triệu ngày công lao động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn