Đôi bàn chân lở loét của người dân vùng lũ Nghệ An gây 'bão mạng'

![]() |
Hình ảnh đôi bàn chân bị lở loét sau những ngày lội bùn lũ. Ảnh: Dũng Nguyễn Quân/ Facebook. |
Sau cơn bão Wipha và hoàn lưu kéo dài, nhiều khu vực ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngập trong nước lũ. Người dân vùng lũ phải ngâm mình nhiều ngày trong bùn đất, nước bẩn để dọn dẹp nhà cửa, tài sản, ruộng đồng.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh đôi bàn chân của người phụ nữ bị nứt nẻ, bong tróc nặng nề sau nhiều ngày lội bùn dọn dẹp hậu lũ ở Nghệ An, gây xót xa và xúc động.
Được đăng tải trên tài khoản Dũng Nguyễn Quân, hình ảnh nhanh chóng lan truyền và nhận về hàng chục nghìn lượt tương tác. Nhiều người không giấu nổi xót xa khi nhìn thấy cảnh tượng đau lòng ấy. “Thương lắm luôn bà con vùng lũ lụt, nước ăn chân đau lắm”, tài khoản Mai Trương bình luận. “Nước rút là lội bùn mấy ngày liền, mình còn dính nửa cây đinh găm vào chân. Qua rồi mới thấy cực khổ lắm luôn”, tài khoản Hằng Trung cũng chia sẻ.
Bức ảnh vẫn đang được chia sẻ trên nhiều diễn đàn. Bên cạnh sự thương cảm là mối lo ngại về nguy cơ bệnh da liễu sau mưa bão.
Vết thương nhỏ, hiểm họa lớn
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa I Trần Hương Trà My, khoa Da liễu - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho biết việc ngâm chân, tay trong nước bẩn nhiều giờ khiến hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ. Khi đó, vi khuẩn, vi nấm có trong nước lũ - vốn chứa nhiều chất ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, hóa chất nông nghiệp và công nghiệp - sẽ dễ dàng xâm nhập, gây viêm nhiễm.
"Đây là điều kiện lý tưởng để phát sinh các bệnh lý như viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, nấm da, nhiễm trùng... Nếu không xử lý đúng cách, nhiễm trùng da có thể lan rộng, gây viêm mô tế bào, hoại tử và thậm chí nhiễm trùng huyết. Những bệnh này đặc biệt nguy hiểm với người có cơ địa suy giảm miễn dịch như người già, phụ nữ mang thai, bệnh nhân tiểu đường…", bác sĩ Trà My cảnh báo.
![]() |
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Hương Trà My, khoa Da liễu - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Ảnh: BSCC. |
Ngoài ra, trong thời gian dọn dẹp sau bão, người dân thường gặp phải những tổn thương da nhỏ do trầy xước, va đập, đâm phải vật sắc nhọn. Khi tiếp xúc với nước bẩn, các vết thương này trở thành "cửa ngõ" cho vi khuẩn xâm nhập.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, nhiều người dân có thói quen tự ý mua thuốc bôi không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại có chứa corticoid mạnh khi gặp các bệnh lý về da.
Tuy nhiên, việc lạm dụng corticoid có thể khiến tổn thương nấm bị "che giấu" tạm thời, sau đó lan rộng và sâu hơn, gây khó khăn trong điều trị.
“Corticoid chỉ nên sử dụng theo chỉ định. Nếu dùng sai, da có thể bị teo, giãn mạch, mất sắc tố, dễ nhiễm khuẩn hơn. Ngoài ra, các bài thuốc dân gian như đắp lá, bôi nghệ, muối… có thể gây kích ứng nặng hơn cho da đang tổn thương", bác sĩ Thành lưu ý.
Những biểu hiện thường gặp của các bệnh da sau lũ lụt là da đỏ, ngứa, bong vảy, nổi mụn nước nhỏ. Nếu bệnh nhân không cải thiện sau 3-5 ngày điều trị tại nhà, kèm theo các dấu hiệu như sưng đỏ, đau, chảy mủ, sốt, mệt mỏi. Đây có thể là dấu hiệu của viêm mô tế bào hoặc nhiễm trùng toàn thân. Theo các bác sĩ, lúc này, người dân cần đến bệnh viện ngay.
"Tôi từng gặp bệnh nhân chỉ bị một nốt ngứa nhỏ nhưng tự bôi thuốc sai cách, vài ngày sau đã phải nhập viện vì nhiễm trùng lan nhanh", bác sĩ Thành kể.
Làm gì để bảo vệ da sau bão lũ?
Theo bác sĩ Trà My, nếu người bệnh vẫn tiếp tục tiếp xúc với nước bẩn, ẩm ướt, dù có điều trị cũng rất khó khỏi hoàn toàn. Các triệu chứng có thể giảm tạm thời nhưng sẽ nhanh chóng tái phát, thậm chí nặng hơn.
Vì vậy, bước quan trọng đầu tiên để điều trị hiệu quả là phải cắt đứt hoàn toàn việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Đây là yếu tố quan trọng giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da và ngăn bệnh tiến triển.
Để phòng ngừa bệnh da liễu trong điều kiện ngập úng sau bão, bác sĩ My khuyến cáo:
![]() |
Một bàn chân bị viêm da sau khi lội nước nhiều. Ảnh: BSCC. |
Ngoài ra, môi trường sau mưa lũ cũng là điều kiện để muỗi, kiến, rệp… sinh sôi. Các vết đốt có thể gây dị ứng, viêm da, nhiễm trùng. Người dân cần rửa sạch, hạn chế gãi và theo dõi các biểu hiện bất thường.
Bác sĩ Thành cũng nhấn mạnh không phải mọi tổn thương da đều có thể tự xử lý tại nhà. Việc chủ quan với những triệu chứng nhỏ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong điều kiện môi trường sau bão. Người dân nên đi khám sớm nếu thấy dấu hiệu bất thường.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.