Độc lạ bảo vật quốc gia: Bộ đồ vàng của Thánh mẫu Lê Chân

Thẻ bài, bông tai, vòng, hộp sáp môi, chuỗi hạt… bằng vàng là bộ kim phẩm Đền Nghè được cung tiến, dâng lên Thánh mẫu Lê Chân.
Bộ đồ vàng ta, độ tinh chế cao
Bộ đồ vàng ở Đền Nghè (TP.Hải Phòng) vừa trở thành bảo vật quốc gia với tên trong hồ sơ là bộ kim phẩm Đền Nghè. Hồ sơ bảo vật cho biết bộ đồ được chế tạo từ vàng, với tỷ lệ thành phần vàng từ 92 - 98%. Nói cách khác, vàng trong bộ kim phẩm được sử dụng là loại vàng ta 24K (vàng có hàm lượng trên 90%), tương đối mềm, dễ kéo dài, dát mỏng, ít pha tạp kim loại màu khác.
Cơ quan quản lý nhà nước đã có hai lần đánh giá thành phần vàng của bộ đồ này. Lần đầu tiên để lập biên bản "Gửi vàng vào ngân hàng để bảo quản" tại Ngân hàng Nhà nước VN. Bộ kim phẩm được lưu giữ 65 năm tại đây, trước khi đưa về Bảo tàng Hải Phòng. Lần thứ hai là vào năm 2024, trên 3 hiện vật, do một hàng vàng tại TP.Hải Phòng thực hiện. Kết quả phân tích này thể hiện sự thay đổi tỷ lệ vàng ở một số hiện vật, chẳng hạn chùm cau vàng từng được đánh giá là 95% vàng, sau phân tích mới có tỷ lệ 99,87%. Từ đó, hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết: "…bộ kim phẩm được chế tạo từ nguyên liệu có độ tinh chế cao, tỷ lệ vàng chiếm số lượng lớn, một số hiện vật có thành phần gần tuyệt đối".
Bộ kim phẩm gồm: 1 lá trầu, 1 chùm cau, 4 thẻ bài, 1 lá vàng, 1 quạt, 3 đôi bông tai, 2 hộp sáp môi, 1 đôi vòng, 1 bộ cúc và 1 chuỗi hạt với 999 hạt.
Cụ thể, lá trầu gồm hai phần: lá hình elip và phần cuống hình trụ rỗng. Mặt lá có 5 đường gân lớn, mỗi đường lại có những vạch gân nhỏ, đồng tâm, đối xứng kéo dài từ cuống đến đỉnh lá. Phần đầu lá có vết uốn gấp nếp.
Chùm cau dạng khối, có 3 quả, 3 tua gắn liền với phần cuống. Mặt trái cau để trơn, không chạm khắc hoa văn; thân hai quả cau có vết lõm nhẹ.
Các thẻ bài có các hình gò nổi như hoa sen, hoa năm cánh, dải hoa chanh… Phần thân thẻ tạo tác hình chữ nhật, có hình rồng uốn khúc, thân dài, đuôi đốm lửa (đặc trưng hình tượng rồng triều Nguyễn), chầu mặt nhật, đầu hướng về đỉnh thẻ bài. Thẻ bài cũng có chữ, chẳng hạn Trang Huy Thượng Đẳng Thần. Cũng có thẻ có mặt nhật được làm nổi, trong lõm, rỗng để gắn phần trang trí (có thể là ngọc nhưng hiện nay không còn).
Quạt có hình dạng theo đúng khuôn mẫu của quạt nan xếp, gồm cán và dải nan; giữa cán có lỗ tròn nhỏ. Mặt trang trí tạo tác hoa văn, chi tiết tinh xảo. Diềm tà dập nổi, hoa văn dải băng hoa chanh bốn cánh liền nhau. Nan quạt được dập nổi 9 dải hoa văn dạng ô tròn nhỏ, quạt tạo lối mở xòe, tà rộng, nhỏ dần về cán. Mặt âm bản không trang trí.
Một đôi bông tai còn tương đối nguyên vẹn, chỉ phần đá quý đính kèm đã bị mất. Mặt khuyên tai tạo hình chim phượng cách điệu, trên đuôi được tạo phần bệ để gắn thạch ngọc. Một đôi bông tai vàng khác lại tạo tác hình hoa chanh, các rìa cạnh được dập nổi dải băng ô tròn nhỏ; đỉnh tạo tác vòng tròn nhỏ để gắn với phần xỏ khuyên. Đôi bông tai thứ ba dạng hình cầu rỗng, trên thân có 8 ô tròn nhỏ, các móc tròn được uốn đính với 6 cánh chuồn trang trí xung quanh.
Hộp sáp môi có nắp với đồ án hoa mẫu đơn mãn khai, thân có tùng cúc trúc mai trong những ô nhỏ hình mây, ngăn cách giữa các ô hoa văn là các mũ đinh tròn nổi nhỏ liền nhau.
Đôi vòng có thân rỗng, mặt thân vòng được làm trơn, không trang trí hoa văn. Khóa vòng là một núm tròn nhỏ, trang trí cách điệu giống hình hoa cúc với 11 tia. Vòng cũng có một dây xích mắt cá, ở một đầu dây xích gắn hình trái tim, đầu kia gắn hình ngôi sao 5 cánh.
Chuỗi hạt 999 hạt nhỏ được chế tác bằng phương pháp đúc khuôn. Hạt hình khối cầu, giữa thân có lỗ tròn. Bề mặt hạt trơn, không trang trí hoa văn.
Bộ cúc có phần thân dạng bán cầu, lòng rỗng. Phần đá quý đính kèm trên hiện vật không còn.
Quà dâng Thánh mẫu
Một số đạo sắc phong, hoành phi, câu đối tại Đền Nghè cho thấy các mỹ tự như "Nữ tướng Lê Chân là bậc anh hùng liệt nữ". Bia đá Hải Phòng An Biên thần tích bi cũng ghi "Năm Khải Định thứ 9, sắc phong Trang Huy Thượng đẳng thần", đã được cụ thể hóa trên hiện vật thẻ bài của bộ đồ vàng, với các dòng mỹ tự, phẩm trật gia phong cho thánh mẫu Lê Chân. Từ đó, Bảo tàng Hải Phòng cho rằng đây chính là bộ đồ độc bản, là vật phẩm, tế khí của cộng đồng dân cư bản địa cung tiến, dâng lên Thánh mẫu Lê Chân vào đầu thế kỷ 20. Nó cũng cho thấy một nét tín ngưỡng của người dân Hải Phòng. Việc chọn vàng làm chất liệu, một chất liệu gắn với cung đình, cho thấy sự tưởng nhớ lớn lao của người cung tiến với vị nữ tướng Lê Chân.
Bộ kim phẩm được đánh giá là đại diện tiêu biểu cho phong cách tạo tác đồ trang sức tượng thờ thời Nguyễn. Theo đó, bộ trang sức này đặc biệt ở chỗ vừa biểu thị phong cách hiện vật thời Nguyễn, lại vừa đặc biệt vì không gắn trên tượng như các trang sức tượng thờ khác. "Qua đó, có thể thấy bộ kim phẩm Đền Nghè là điểm tiếp nối trong truyền thống tạo tác trang sức cho tượng thờ, là đại diện tiêu biểu của sự sáng tạo trong việc sử dụng đồ trang sức cho mục đích tín ngưỡng tại TP.Hải Phòng", hồ sơ bảo vật cho biết.