Doanh nghiệp xuất khẩu chật vật ứng phó thuế đối ứng

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến động tỉ giá, khi đồng USD tăng mạnh.
Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ngày 25-4, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức, ông Bill Nguyễn, giám đốc phát triển kinh doanh Công ty gỗ Cainver, chia sẻ chỉ trong thời gian ngắn, đối tác đã yêu cầu đàm phán lại giá, thậm chí dời thời hạn thanh toán từ 90 - 120 ngày, gây sức ép lớn lên dòng tiền doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi thiếu kỹ năng đàm phán. Trong khi các ngân hàng nước ngoài đã nhanh chóng tiếp cận, giới thiệu các công cụ tài chính hỗ trợ phòng ngừa rủi ro tỉ giá và thanh khoản thì các ngân hàng trong nước gần như không có động thái tương tự", ông Bill Nguyễn bày tỏ.
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết dù đã nỗ lực vượt qua cơn khủng hoảng sau đại dịch COVID-19, nhưng với hàng loạt biến động địa chính trị và thương mại, doanh nghiệp khó trụ vững nếu không có sự đồng hành thực sự từ ngân hàng và Nhà nước.
Về thuế đối ứng, ông Trần Tuấn Anh, phó phòng khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng BPCE IOM, nhận định việc Mỹ tăng thuế đối ứng đã buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược và tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên việc chuyển đổi thị trường không dễ dàng, khi các thị trường mới nổi tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán và khác biệt về hệ thống pháp lý, tiêu chuẩn.
Trong quá trình dịch chuyển thị trường, ông Anh nhấn mạnh vai trò tư vấn và hỗ trợ từ ngân hàng là vô cùng quan trọng. Mỗi ngân hàng có thế mạnh riêng, tùy vào mạng lưới đại lý và kinh nghiệm tại từng khu vực, có thể hỗ trợ doanh nghiệp chọn phương thức thanh toán phù hợp và đánh giá rủi ro.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Khôi, đại diện Nam Á Bank, cho rằng việc thiết kế lại chuỗi logistics, phối hợp giữa doanh nghiệp, trung tâm xúc tiến thương mại và cơ quan ngoại giao là cần thiết để mở cửa thị trường mới một cách hiệu quả và bền vững.
Trước những kiến nghị từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2, cho biết việc Mỹ đang xem xét điều chỉnh chính sách thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam gây lo ngại lớn cho doanh nghiệp.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối là nhiệm vụ xuyên suốt, và là nỗ lực góp phần kiểm soát lạm phát. Ngành ngân hàng luôn đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ngoài ra doanh nghiệp còn có thể tiếp cận nhiều ưu đãi như vay vốn bằng ngoại tệ hoặc tiền đồng với lãi suất không quá 4%/năm, nhất là trong 5 nhóm ngành ưu tiên, gồm cả xuất khẩu.
Ông cũng khuyến nghị doanh nghiệp chủ động sử dụng công cụ phái sinh, hoán đổi, mua bán kỳ hạn... để ổn định nguồn ngoại tệ và tăng khả năng ứng phó rủi ro tỉ giá.
"Thêm vào đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn được các ngân hàng thương mại "thiết kế" nhiều chương trình ưu đãi như vay vốn ngoại tệ, vay vốn bằng tiền đồng lãi suất thấp, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động xuất nhập khẩu ổn định và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước", ông Lệnh thông tin thêm.