Nhảy đến nội dung
 

Doanh nghiệp Việt tìm thị trường mới

Bên cạnh nỗ lực đáp ứng các đơn hàng từ thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt đang tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường hiện diện tại các khu vực tiềm năng như Đông Nam Á, châu Phi hay Trung Đông.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt bắt đầu nhìn nhận lại nội lực của mình như một yếu tố then chốt để duy trì vị thế xuất khẩu.

Mở rộng sang Đông Nam Á

Vừa trở về Việt Nam từ một hội chợ thực phẩm lớn vừa tổ chức ở Singapore, ông Nguyễn Thanh Hiền, CEO Công ty công nghệ sinh học Tomcare (sở hữu thương hiệu tương ớt Chilica), nhận được ba lời đề nghị hợp tác từ đối tác trong khu vực. 

"Chúng tôi đang tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ tại châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á" - ông Hiền nói với Tuổi Trẻ. Trước đây Mỹ chiếm đến 30-40% doanh thu xuất khẩu của Chilica thì nay tỉ trọng này đang giảm về khoảng 20%. Lý do được ông đưa ra là nhằm giảm sự phụ thuộc và tránh cạnh tranh trực diện với những ông lớn như Sriracha của "tỉ phú tương ớt" David Trần.

Khác với Chilica, Công ty cổ phần may Sông Hồng đang duy trì tốt thị phần tại Mỹ và mở rộng sang nhiều thị trường mới như châu Phi, Dubai… Trong quý 1-2025, doanh nghiệp này tăng lượng hàng xuất khẩu giúp doanh thu thuần tăng hơn 34%, đạt hơn 1.000 tỉ đồng và đã có đơn hàng đến cuối năm. 

Ban lãnh đạo công ty cho biết nhờ thời gian qua ký được nhiều đơn hàng nên giúp doanh thu tăng, kết hợp với tiết kiệm chi phí giúp lợi nhuận tăng hơn 82%.

Khi mở rộng đa dạng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường được cho là tiềm năng như Dubai hay khu vực châu Phi, ban lãnh đạo Công ty cổ phần may Sông Hồng cho rằng tất cả các thị trường mới đều phải thận trọng. 

Quan trọng nhất khi đầu tư là xem xét năng lực tài chính của khách hàng. Dự đoán các đơn hàng có thể bị cắt giảm, tuy nhiên doanh nghiệp này sẽ đón nguồn hàng từ Trung Quốc chuyển sang nên vẫn đặt kế hoạch kinh doanh khả quan.

May Sông Hồng còn đặt mục tiêu mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ thông qua các đối tác chiến lược như Columbia Sportwear, Walmart, Target… và thông qua việc thành lập công ty liên doanh tại Ai Cập để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và được miễn thuế 100% với các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. 

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc đào tạo quản lý tại địa phương và chuỗi cung ứng vải vẫn là rào cản không nhỏ trước mắt.

Xem lại nội lực và phương thức xuất khẩu

Trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm rủi ro, doanh nghiệp Việt đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là cạnh tranh về giá với đối thủ chi phí thấp. Do đó ngoài các giải pháp ngắn hạn, cần có chiến lược dài hạn thận trọng, tính toán kỹ yếu tố chi phí và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, phương thức xuất khẩu cũng là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cách tính chi phí và thuế. Không phải mọi khoản thuế tăng đều có thể chuyển cho người tiêu dùng, mà tùy thuộc vào ngành hàng và hình thức bán. 

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp chỉ chịu chi phí đến khi hàng lên tàu, thuế có thể do phía nhập khẩu chịu. Ngược lại, nếu doanh nghiệp lo toàn bộ chi phí đến tận cửa hàng, họ sẽ phải tự gánh phần thuế tăng thêm.

Ông Phạm Sỹ Thành - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS) - cảnh báo trong sáu nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, nhiều mặt hàng có thể bị thay thế nếu giá hàng Việt tăng do thuế, trong khi các đối thủ vẫn giữ được lợi thế giá. 

"Khi đánh giá tác động trước khi tìm kiếm giải pháp, đặc biệt với từng nhóm hàng có kim ngạch trên 1 tỉ USD thì cần phân tích kỹ các phương thức xuất khẩu đang được áp dụng", ông Thành lưu ý.

Dù sở hữu lợi thế về nguyên liệu từ nông sản Việt Nam với hương vị đặc trưng, ông Nguyễn Thanh Hiền nhìn nhận điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là hoạt động marketing. 

"Khó khăn lớn nhất là làm sao để khách hàng biết đến tương ớt Chilica. Chúng tôi làm marketing chưa tới. Đây là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt là không đủ nguồn lực và kinh nghiệm để tiếp thị sản phẩm", ông Hiền nói.

Ông cho rằng nếu doanh nghiệp Việt biết tận dụng những lợi thế riêng có như khí hậu, thổ nhưỡng và hương vị nguyên bản của nông sản trong nước thì hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt rõ rệt cho sản phẩm. 

Khi kết hợp với đầu tư bài bản vào công nghệ trong các khâu thu hoạch, chế biến và bảo quản, doanh nghiệp có thể xây dựng được lợi thế cạnh tranh riêng, ngay cả khi phải đối đầu với các quốc gia có thế mạnh về sản xuất quy mô lớn.