Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được miễn thuế thu nhập 3 năm

Tối 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến lần 2 dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, trước khi Quốc hội bấm nút thông qua vào sáng 17/5.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Tài chính cho biết cơ quan này cùng Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã tiếp thu, chỉnh lý để đảm bảo khi dự thảo nghị quyết được ban hành sẽ triển khai được ngay.
Liên quan tới một số chính sách đột phá để phát triển kinh tế tư nhân, ông Tâm cho biết hiện còn một số ý kiến khác nhau liên quan tới miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cơ quan này đề xuất hai phương án khi tiếp thu.
Phương án 1, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm với các công ty có quy mô nhỏ và vừa kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập lần đầu. Thứ trưởng Tâm nói quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Phương án 2, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với các công ty nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ khi có lãi.
Thẩm tra nội dung này, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính - cho biết cơ quan này tán thành với các nội dung tiếp thu tại dự thảo nghị quyết.
Ông Mãi đề nghị chọn phương án 1, tức là doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập trong 3 năm kể từ khi thành lập, để phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 68.
Góp ý sau đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình chọn phương án 1 như đề nghị của Chính phủ. Bởi theo họ, chờ tới khi doanh nghiệp có lãi mới miễn thuế là chưa hợp lý, nên khuyến khích doanh nghiệp ngay từ đầu.
Cùng với đó, dự thảo nghị quyết cũng bổ sung nguyên tắc xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đã được quy định tại Nghị quyết 164/2024 của Quốc hội. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp, doanh nhân sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào sử dụng để khơi thông nguồn lực và tránh thất thoát, lãng phí.
Việt Nam hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra 8-9 triệu việc làm, tương đương với khối công ty tư nhân, theo số liệu của Cục Thống kê các năm 2018-2020. Theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào 2030 và 3 triệu tới 2045.
Khu vực kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, hiện đóng góp khoảng 51% GDP và trên 30% ngân sách nhà nước.
Theo Thứ trưởng Tâm, dự thảo nghị quyết đã điều chỉnh thời điểm áp dụng bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh để họ chuyển thành doanh nghiệp từ ngày 1/1/2026, thay vì ngày 1/7/2026.
Với quy định số lần thanh, kiểm tra với doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh tối đa 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, Thứ trưởng Tài chính giải thích nội dung này hướng tới việc giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp và chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Quy định này cũng không hạn chế với hoạt động thanh, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và tăng kiểm tra trên cơ sở chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan. Tức là, công tác quản lý Nhà nước không bị giảm hiệu lực, hoạt động của doanh nghiệp không bị cản trở.
Tuy nhiên theo ông Phan Văn Mãi, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tài chính - báo cáo rõ hơn việc chưa tiếp thu một số quy định. Chẳng hạn, không thực hiện biện pháp ngăn chặn bằng "tạm giam" khi chưa thật sự cần thiết, không áp dụng "cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh khi nợ thuế do các nguyên nhân hợp lý, có cam kết và tài sản đảm bảo".
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị hoàn thiện quy định về xác định diện tích đất với các khu - cụm công nghiệp thành lập mới để bảo đảm dành bình quân 20 ha hoặc 5% tổng diện tích đất đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho doanh nghiệp thuê. Việc này để tránh cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Kết luận phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh - Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính cùng Ủy ban Kinh tế và Tài chính trong đêm nay rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết này vào sáng 17/5.
Anh Minh