Ấn Độ nói Pakistan huy động tiêm kích tấn công trong đêm

"Pakistan không ngừng tấn công biên giới phía tây", đại tá Sofiya Qureshi, phát ngôn viên quân đội Ấn Độ, cho biết trong cuộc họp báo ngày 10/5, đề cập chiến dịch "Bunyanun Marsoos" được quân đội Pakistan phát động đêm 9/5, rạng sáng 10/5.
Đại tá Qureshi cho hay quân đội Ấn Độ đã vô hiệu hóa thành công nhiều mối đe dọa, nhưng thừa nhận các căn cứ không quân quan trọng như Udhampur, Bhuj, Pathankot và Bathinda đã hứng thiệt hại về nhân lực cùng khí tài. Các địa điểm này nằm ở vùng Jammu và Kashmir, bang Gujarat và bang Punjab của Ấn Độ.
Bà Qureshi cho biết đây là chiến dịch hiệp đồng, trong đó Pakistan đã triển khai kết hợp nhiều loại vũ khí, gồm drone, đạn tuần kích, tên lửa tầm xa và cả tiêm kích để nhắm mục tiêu vào hạ tầng quân sự của Ấn Độ.
"Họ sử dụng các tên lửa vận tốc cao để tấn công căn cứ không quân tại bang Punjab lúc 1h40", bà nói, song không nêu cụ thể địa điểm và thiệt hại liên quan.
Vyomika Singh, phát ngôn viên không quân Ấn Độ, trong cuộc họp báo cho biết nước này cam kết không leo thang xung đột, miễn là Pakistan cũng hành động tương tự. Dù vậy, bà lưu ý rằng lục quân Pakistan đang triển khai lực lượng về hướng tiền tuyến với Ấn Độ, cho thấy Islamabad có ý định gia tăng căng thẳng.
"Lực lượng vũ trang Ấn Độ vẫn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao", bà Singh nói.
Pakistan trước đó cùng ngày tuyên bố phát động chiến dịch Bunyanun Marsoos, nhằm trả đũa các cuộc không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ nước này. Bộ Quốc phòng Pakistan cho biết một kho dự trữ tên lửa BrahMos ở thành phố Beas thuộc bang Punjab của Ấn Độ đã bị phá hủy sau đòn đánh.
Quân đội Pakistan còn tuyên bố tập kích sân bay quân sự Pathankot và Udhampur, cùng một số địa điểm khác tại Ấn Độ, nhấn mạnh chiến dịch nhằm vào các căn cứ mà Ấn Độ dùng để triển khai lực lượng phóng tên lửa vào nước láng giềng.
Lực lượng này sau đó cho biết đã triển khai tiêm kích JF-17 để khai hỏa tên lửa siêu vượt âm vào căn cứ quan trọng tại thị trấn Adampur ở bang Punjab, khiến một tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của đối phương bị phá hủy.
Tuy nhiên, bà Singh bác bỏ thông tin hệ thống S-400 bị Pakistan phá hủy. "Đó là tin giả. Cục Thông tin Báo chí sẽ sớm đăng bài kiểm chứng", quan chức này cho hay.
S-400 do Nga sản xuất, được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Mỗi tổ hợp bao gồm ba thành phần chính là xe phóng, radar và xe chỉ huy. Nó có thể đánh chặn hầu hết dòng chiến đấu cơ hiện đại, cũng như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm xa. Radar của S-400 có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600 km.
Năm 2018, Ấn Độ ký hợp đồng trị giá 5 tỷ USD để mua 5 tổ hợp phòng không S-400 từ Nga. Truyền thông Ấn Độ cho biết các hệ thống này tối 7/5 khai hỏa đánh chặn đòn tập kích của Pakistan, đánh dấu lần đầu thực chiến kể từ khi được biên chế vào quân đội Ấn Độ.
Xung đột giữa New Delhi và Islamabad bùng phát sau khi Ấn Độ sáng 7/5 phát động chiến dịch Sindoor, nhắm vào 9 mục tiêu mà nước này gọi là "hạ tầng khủng bố" trên lãnh thổ Pakistan và khu vực do Islamabad kiểm soát tại vùng tranh chấp Kashmir.
Theo New Delhi, đây là động thái đáp trả vụ xả súng khiến 26 người thiệt mạng gần thị trấn Pahalgam hôm 22/4. Ấn Độ trước đó cáo buộc Pakistan hậu thuẫn nhóm vũ trang gây ra vụ tấn công, nhưng Islamabad bác bỏ.
Phạm Giang (Theo AP, NDTV)