Nhảy đến nội dung

Ấn Độ hay Pakistan mạnh hơn về không quân?

Dù Ấn Độ và Pakistan còn thiếu năng lực và khí tài tiên tiến để được coi là lực lượng không quân hàng đầu thế giới, nhưng mỗi nước đều có hàng nghìn máy bay hiện đại và các phi công giàu kinh nghiệm.

Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền với vùng Kashmir, dường như một lần nữa lại bên bờ vực chiến tranh sau vụ tấn công làm 26 người thiệt mạng ở khu vực do New Delhi quản lý tại Kashmir hôm 22/4. 

Mặc dù những kẻ khủng bố trên danh nghĩa một nhóm ly khai ở Kashmir đã đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng Ấn Độ vẫn đổ lỗi cho Pakistan và cáo buộc nước láng giềng hỗ trợ tài chính cũng như hậu cần cho nhóm vũ trang trên. 

Theo tạp chí National Interest, trong lần xung đột năm 2019, Ấn Độ và Pakistan đã tránh được một cuộc chiến toàn diện, nhưng không quân hai nước đã có hàng loạt vụ đối đầu nhỏ. Nếu kịch bản này lặp lại, việc tìm hiểu về năng lực không quân của 2 nước rất cần thiết. 

Năng lực của Không quân Ấn Độ

Dựa vào số liệu, Ấn Độ dường như có lực lượng không quân mạnh hơn Pakistan. Không quân Ấn Độ (IAF) đang sở hữu khoảng 2.300 máy bay quân sự và 135.000 binh lính tại ngũ. Đây là lực lượng không quân lớn thứ 4 thế giới và thường được xếp vào nhóm 5 lực lượng không quân hiệu quả trên toàn cầu.

Dù IAF không đủ năng lực hoặc trang thiết bị để theo kịp Không quân Mỹ, nhưng lực lượng này vẫn được trang bị một lượng lớn máy bay chiến đấu hiện đại. 

Không quân Ấn Độ không được trang bị máy bay chiến đấu thế hệ 5, nhưng đối thủ Pakistan cũng không có chiến đấu cơ tiên tiến đó. Những gì IAF đang sở hữu là một loạt máy bay chiến đấu thế hệ 4 đáng tin cậy, hầu hết được nhập khẩu và do Nga, Pháp cấp phép như Su-30MKI, Dassault Rafale, MiG-29, Mirage 2000 và MiG-21. IAF cũng đưa vào biên chế máy bay chiến đấu nội địa HAL Tejas.

Dù sở hữu một phi đội chiến đấu cơ, nhưng IAF vẫn thiếu một số khả năng quan trọng. Đáng chú ý nhất là không có máy bay chiến đấu nào của họ có khả năng tàng hình, khiến việc tấn công trong không phận đối phương trở nên vô cùng khó khăn. Trong cuộc không chiến với máy bay Pakistan năm 2019, một chiếc MiG-21 của Ấn Độ đã bị bắn hạ. 

IAF cũng không có máy bay ném bom chiến lược, làm hạn chế sức mạnh của Ấn Độ trong bất kỳ chiến dịch không kích nào. Tóm lại, IAF từ lâu đã được hiệu chỉnh theo hướng phòng thủ thay vì tấn công. Do đó, việc tổ chức tấn công Pakistan như các nhà lãnh đạo nước này kêu gọi được đánh giá khá khó khăn. 

Tuy nhiên, ngoài một số hạn chế, IAF lại có lợi thế rõ ràng về số lượng sân bay, gồm cả một số sân bay có thể vừa dùng cho mục đích dân sự lẫn quân sự. Ấn Độ hiện cũng nắm trong tay nhiều tên lửa và đạn dược hơn Pakistan. 

IAF đang sở hữu một kho vũ khí đáng kể, trong đó có các tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) như tên lửa BrahMos với tầm bắn từ 450 - 800km, tên lửa Kh-35 ALCM với tầm bắn 260km. Ấn Độ cũng có bom lượn Spice 2000 với bộ phụ kiện bổ sung cho đầu đạn 450 - 900kg.

Sức mạnh của Không quân Pakistan

Pakistan có phi đội máy bay quân sự lớn thứ 7 thế giới. Mặc dù quy mô phi đội chiến đấu cơ không nhất thiết tương ứng với hiệu quả, nhưng Không quân Pakistan (PAF) vẫn được đánh giá là sở hữu một trong 10 phi đội máy bay quân sự hàng đầu thế giới. 

Với 1.434 máy bay quân sự và khoảng 70.000 quân nhân đang tại ngũ, PAF có quy mô nhỏ hơn so với lực lượng trên không của nước láng giềng Ấn Độ, nhưng vẫn đủ lớn để bảo vệ lãnh thổ.

Đội chiến đấu cơ chủ chốt của PAF là 75 tiêm kích F-16 Fighting Falcons nhập khẩu từ Mỹ. F-16 là máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ 4. Dù không được trang bị công nghệ tàng hình nhưng mẫu tiêm kích này đã chứng minh được khả năng chiếm ưu thế trên không và nhắm vào các mục tiêu dưới mặt đất. 

Ngoài ra, PAF còn sở hữu các chiến đấu cơ thế hệ 4 do Trung Quốc phát triển như Chengdu J-10 Vigorous Dragon và JF-17 Thunder. Bên cạnh các tiêm kích F-16 và Chengdu, PAF còn có các máy bay chiến đấu và tấn công khác của Pháp và Trung Quốc. Chiến đấu cơ thế hệ 3 như Dassault Mirage 5 và Mirage III cũng thuộc biên chế của PAF. 

Giống như Ấn Độ, PAF không có máy bay chiến đấu tàng hình và máy bay ném bom chiến lược. Vì vậy, việc xâm nhập vào không phận Ấn Độ tương đối khó khăn, đặc biệt khi chính quyền New Delhi sở hữu các hệ thống phòng không tinh vi như "rồng lửa" S-400. 

Viễn cảnh không chiến

Mặc dù cả Ấn Độ và Pakistan đều thiếu các thiết bị hiện đại để được coi là lực lượng không quân tiên tiến hàng đầu thế giới, nhưng mỗi nước đều có không quân lớn mạnh với nguồn nhân lực dồi dào. Trong trường hợp xung đột nổ ra, hai bên đều có thể huy động lực lượng hùng hậu của mình.

Một vấn đề quan trọng khác cũng cần được tính tới nếu giao tranh nổ ra là, Ấn Độ và Pakistan đều có máy bay có thể triển khai vũ khí hạt nhân và khó có bên nào có thể giành ưu thế áp đảo so với bên kia.