Ấn Độ cáo cuộc Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn

Theo ABC News, các quan chức Ấn Độ đã lên tiếng cáo buộc Pakistan phá vỡ lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian và khẳng định đang đáp trả các hành động vi phạm.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri. Ảnh: ANI/TTXVN. |
Trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri xác nhận hai nước đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng cho biết Pakistan đã vi phạm thỏa thuận này vào tối ngày 10/5 (theo giờ địa phương). Ông kêu gọi Pakistan cần hành động nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, tránh leo thang căng thẳng xung đột dọc đường biên giới. Ngoại trưởng Ấn Độ cũng đồng thời khẳng định Ấn Độ đang “đưa ra phản ứng thích đáng và đầy đủ”.
Bên cạnh đó, Thủ hiến của Ấn Độ phụ trách vùng Jammu và Kashmir, ông Omar Abdullah, cũng đã đăng tải bài viết trên mạng xã hội X khi cho biết dường như đã nghe thấy tiếng nổ ở Srinagar – thành phố lớn nhất trong khu vực này.
"Không có lệnh ngừng bắn. Các đơn vị phòng không ở trung tâm Srinagar vừa mới mở màn", ông viết.
Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan đã có bài phát biểu trước toàn quốc vào lúc 23h đêm ngày 10/5 theo giờ địa phương nhưng không đề cập đến bất kỳ hành vi vi phạm nào liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn trên.
Trước đó, Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí về việc thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức vào ngày 10/5, chấm dứt căng thẳng leo thang kể từ cuộc tấn công vào tháng 4 vào Kashmir – khu vực do Ấn Độ kiểm soát. Thông tin đã được cả hai bên chính thức xác nhận.
Trong bài viết trên nền tảng Truth Social, Tổng thống Trump đã nêu bật vai trò của Mỹ trong nỗ lực đi đến một lệnh ngừng bắn toàn diện giữa hai quốc gia khu vực Nam Á.
"Sau một đêm đàm phán dài do Mỹ làm trung gian, tôi vui mừng thông báo rằng Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức. Xin chúc mừng cả hai quốc gia đã sử dụng lương tri và trí tuệ vĩ đại".
Thông điệp của Tổng thống Trump đã được Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio chia sẻ sau khi ông có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao của cả Ấn Độ và Pakistan nhằm khuyến khích hai bên giảm căng thẳng sau vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam hôm 22/4 làm 26 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Rubio cho biết quyết định ngừng bắn là kết quả của cuộc họp trong 48 giờ qua. Tại cuộc họp này, Phó tổng thống Mỹ James David Vance và Ngoại trưởng Rubio đã trao đổi với các quan chức cấp cao của Ấn Độ và Pakistan, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif.
Ông Rubio cho biết Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí ngừng bắn ngay và bắt đầu đàm phán về nhiều vấn đề tại một địa điểm trung lập. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo hai nước Ấn Độ và Pakistan khi lựa chọn con đường hòa bình.
Trong diễn biến liên quan, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar nói với đài truyền hình Geo news rằng Pakistan và Ấn Độ đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn “toàn diện" chứ “không phải một phần”. Bên cạnh đó, ông cho hay khoảng 30 quốc gia đã tham gia vào hoạt động ngoại giao để bảo đảm lệnh ngừng bắn này.
Trong động thái khác, phát biểu tại một cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri cho biết Cục trưởng Cục các chiến dịch quân sự (DGMO) của Pakistan đã điện đàm với Cục trưởng DGMO của Ấn Độ vào lúc 15h35 ngày 10/5 theo giờ địa phương. Hai bên nhất trí sẽ ngừng mọi hoạt động bắn phá và hành động quân sự trên bộ, trên không và trên biển, có hiệu lực từ 17h cùng ngày theo giờ địa phương. Cục trưởng DGMO của hai nước dự kiến sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận vào 12h ngày 12/5.
Sau khi Ấn Độ và Pakistan đạt được thỏa thuận ngừng bắn, lãnh đạo nhiều nước và tổ chức trên thế giới đã hoan nghênh động thái này. Theo lời phó phát ngôn viên Farhan Haq, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres “hoan nghênh mọi nỗ lực hạ nhiệt xung đột” và đang theo dõi tiếp tình hình.
Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Ai Cập đánh giá động thái này là một bước tiến quan trọng hướng tới việc giảm căng thẳng và thúc đẩy an ninh và ổn định ở khu vực Nam Á.
Ngày 10/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh ủng hộ những nỗ lực của Ấn Độ và Pakistan nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và vẫn "sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng" trong quá trình này.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.