Ấn Độ bất ngờ săn lùng một loại cây ra hoa nghìn tỷ của Việt Nam: Thu gần 22 triệu USD kể từ đầu năm, là sản vật hiếm của thế giới

Riêng trong tháng 4, xuất khẩu mặt hàng này đã tăng mạnh 90% về kim ngạch.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), trong tháng 4/2025, Việt Nam xuất khẩu được 2.436 tấn hoa hồi và thu về hơn 9,7 triệu USD, tăng mạnh 65,8% về lượng và tăng mạnh 90,2% về kim ngạch. Prosi Thăng Long, Tuấn Minh và Lâm Sơn Hà Spices là 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất ở mặt hàng hoa hồi.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 5.931 tấn hoa hồi với kim ngạch đạt 21,9 triệu USD, tăng 63% vê lượng và tăng 17,3% về trị giá. Ấn Độ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hoa hồi với sản lượng đạt 4.571 tấn, tương đương 77% thị phần.
Trước đó trong năm 2024 Việt Nam xuất khẩu được 14.004 tấn hoa hồi với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 63,7 triệu USD, so với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,7%, kim ngạch giảm 16.2%.
Ấn Độ trở thành điểm đến lý tưởng của hoa hồi Việt Nam trong nhiều năm nay. Nguyên nhân là bởi quốc gia này có dân số hơn 1,4 tỷ người, với nhu cầu lớn về gia vị và hương liệu trong ẩm thực và y học cổ truyền. Ngoài ra, Ấn Độ còn là trung tâm sản xuất dược phẩm toàn cầu, nơi hoa hồi được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm dược liệu và mỹ phẩm.
Quan hệ kinh tế Việt Nam – Ấn Độ ngày càng thắt chặt cũng là động lực lớn với các hiệp định thương mại đang tạo điều kiện thuận lợi để giảm rào cản thuế quan, giúp hoa hồi Việt Nam dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Ấn Độ.
Để khai thác tối đa tiềm năng tại thị trường Ấn Độ, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh chế biến sâu: Tăng sản xuất tinh dầu hồi, bột hồi hữu cơ và các sản phẩm chế biến sẵn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của ngành dược phẩm và mỹ phẩm Ấn Độ.
Xây dựng thương hiệu quốc gia: Tận dụng Chỉ dẫn địa lý "Hồi Lạng Sơn" để quảng bá chất lượng vượt trội thông qua các hội chợ, triển lãm tại Ấn Độ. Tăng cường xúc tiến thương mại: Tham gia tích cực các hội nghị giao thương Việt Nam – Ấn Độ, đồng thời tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng Ấn Độ.
Đầu tư công nghệ: Ứng dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Đến nay, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến quế và cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn như tinh dầu hồi và bột hồi, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ngoài Ấn Độ, Việt Nam còn có thêm những thị trường xuất khẩu hồi tiềm năng khác. Tại Mỹ, nơi có dân số đông, đa dạng về sắc dân và nhu cầu tiêu dùng hướng đến các mặt hàng đặc sản, có giá trị sức khoẻ, quế, hồi là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại thị trường này. Một thị trường nhập khẩu quế, hồi tiềm năng khác là Pakistan, nơi có nhu cầu cao với quế hồi, dược liệu.