DN xi măng lỗ vượt 9.300 tỷ đồng: Ngân hàng mắc kẹt, kiểm toán từ chối ý kiến

Xi măng Công Thanh tiếp tục lỗ thêm nghìn tỷ, nâng lỗ lũy kế tới cuối năm 2024 lên 9.372 tỷ đồng. Chi phí lãi phải trả là hơn 11 nghìn tỷ đồng. Một số ngân hàng có nguy cơ mắc kẹt cùng các khoản nợ của doanh nghiệp này.
Lỗ lũy kế gấp hơn 10 lần vốn góp
CTCP Xi măng Công Thanh (Thanh Hóa) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2024 do Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hoàng Thi ký, với tình hình tiếp tục xấu đi. Doanh nghiệp lỗ thêm 1.444 tỷ đồng trong năm 2024, so với mức lỗ gần 1.827 tỷ đồng năm 2023.
Tính tới cuối năm 2024, Xi măng Công Thanh ghi nhận lỗ lũy kế là hơn 9.372 tỷ đồng, cao gấp 10,4 lần vốn góp của chủ sở hữu (900 tỷ đồng).
Điểm đáng chú ý là tại thời điểm cuối năm 2024, Xi măng Công Thanh ghi nhận tổng nợ phải trả lên tới hơn 20.129 tỷ đồng, gồm chi phí lãi phải trả là hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay dài hạn là hơn 6.960 tỷ đồng và chi phí lãi vay trái phiếu là gần 4.118 tỷ đồng.
Xi măng Công Thanh được thành lập đầu năm 2006. Đây là một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Tập đoàn Công Thanh, hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Trụ sở chính của Xi măng Công Thanh đóng tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cơ cấu cổ đông của Xi măng Công Thanh khá cô đặc. Tính đến cuối năm 2024, ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT sở hữu gần 51,5 triệu cổ phiếu (tương đương 57,2% cổ phần); CTCP Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai chiếm 10% cổ phần; Financiere Lafarge SA chiếm 5% cổ phần; bà Nguyễn Thị Dạ Thảo (Phó Tổng giám đốc - con ruột ông Lý) chiếm 2,7% và các cổ đông khác chiếm 25,1% cổ phần.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên, tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Xi măng Công Thanh là 11.657 tỷ đồng, trong khi đó tổng nợ phải trả là hơn 20.129 tỷ đồng.
Kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam đã từ chối đưa ra ý kiến tại báo cáo kiểm toán năm 2024.
Theo kiểm toán viên, tính đến cuối năm 2024, Xi măng Công Thanh ghi nhận lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu hơn 8.472 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn gần 3.133 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chưa thanh toán các khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền hơn 1.893 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank (CTG) và khoản vay ngắn hạn gần 287 tỷ đồng cho SHB. Tổng tiền lãi vay dài hạn quá hạn phải trả cho các ngân hàng là hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Kiểm toán viên cho rằng, những yếu tố trên tạo ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Do đó, “không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán”.
Ngân hàng đối mặt khối nợ nghìn tỷ
Tính tới cuối năm 2024, Xi măng Công Thanh ghi nhận vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (gồm vay dài hạn đến hạn trả) tăng thêm hơn 192 tỷ đồng so với cuối năm 2023, lên hơn 2.372 tỷ đồng.
Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là hơn 4.948 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn Vietinbank là hơn 4.651 tỷ đồng (phần lớn là bằng tiền VND). Lãi suất 11%/năm cho khoản vay bằng tiền Việt và 8,8% cho khoản vay bằng USD.
Theo công văn của Vietinbank hồi đầu năm 2019, Xi măng Công Thanh phải thanh toán nợ gốc đến năm 2035. Lãi vay lũy kế đến cuối 2016 sẽ được phân bổ trả dần từ 2020 đến 2026. Lãi vay phát sinh từ 2017 đến 2035 sẽ được phân bổ để trả theo kế hoạch dòng tiền từ 2022-2035.
Tuy nhiên, dòng tiền của Xi măng Công Thanh khá eo hẹp. Doanh thu bán hàng và dịch vụ trong năm 2024 giảm xuống còn gần 166 tỷ đồng, so với mức hơn 483 tỷ đồng năm 2023. Tiền mặt còn gần 1,3 tỷ đồng.
Lịch sử quan hệ tín dụng giữa Vietinbank và Xi măng Công Thanh cũng đáng chú ý, tín dụng gia tăng trong khi doanh nghiệp thua lỗ triền miên.
Tới cuối năm 2024, dư nợ của Xi măng Công Thanh tại Vietinbank là khoảng 7.034 tỷ đồng. Trong đó, khoản dư nợ vay dài hạn đến thời hạn trả là gần 1.493 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu đến hạn trả gần 593 tỷ đồng, vay dài hạn còn lại là gần 3.159 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu là 1.790 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận được xác lập ngày 5/9/2017, Vietinbank đồng ý chia sẻ cho SHB chi nhánh Vạn Phúc tài sản đảm bảo của Xi măng Công Thanh đang thế chấp tại Vietinbank và nguồn thu của công ty này.
Đó là toàn bộ máy móc thiết bị và hạng mục công trình hình thành trong tương lai của dự án dây chuyền 2 - Nhà máy Xi măng Công Thanh; quyền sử dụng đất, công trình xây dựng, máy móc thiết bị và phương tiện của dự án dây chuyền 1; cổ phần vốn góp của các cổ đông sáng lập; cổ phần góp vốn của chủ tịch Nguyễn Công Lý tại nhóm Xi măng Công Thanh; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên (mỏ đá vôi, đá sét); các bất động sản của ông Nguyễn Công Lý và một số thành viên trong ban lãnh đạo...
Sở dĩ Xi măng Công Thanh rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, nợ ngập đầu là do đầu tư lớn vào lĩnh vực này, trong bối cảnh ngành xi măng gặp khó. Đó là tình trạng cung nội địa vượt nhiều lần so với cầu. Thị trường bất động sản Trung Quốc lại sụt giảm mạnh khiến việc xuất khẩu xi măng của Việt Nam lao dốc.
Xi măng Công Thanh liên tục thua lỗ kể từ 2016 tới nay. Đây cũng là thời điểm công ty đưa dây chuyền 2 - Nhà máy Xi măng Công Thanh vào hoạt động. Nguồn cung tăng cao nhưng khó bán hàng, trong khi áp lực chi phí khấu hao và chi phí lãi vay rất lớn.
Báo cáo của Ban Tổng giám đốc do Bà Nguyễn Thị Hoàng Thi, người đại diện pháp luật ký cho rằng: Năm 2024, thị trường xây dựng nội địa vẫn trong quá trình hồi phục nhưng rất chậm nên tiêu thụ xi măng bị ảnh hưởng, xuất khẩu cũng chưa mấy khả quan. Thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Bangladesh chưa trở lại với số lượng nhập khẩu như trước.
Xi măng Công Thanh đã lùi việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2025 tới trước ngày 30/6. Trước đó, tháng 11 năm ngoái, doanh nghiệp này bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 507,5 triệu đồng do không công bố nhiều loại thông tin, công bố thông tin không đúng thời hạn.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2024, Xi măng Công Thanh cũng chậm thanh toán lãi trái phiếu do gặp khó khăn về tài chính.