Nhảy đến nội dung

Định hướng của UEH trong kỷ nguyên mới: Công bố quốc tế đến nghiên cứu ứng dụng

Triển khai chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, cùng định hướng phát triển bền vững, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã chủ động triển khai song song hai định hướng nghiên cứu chiến lược: thúc đẩy công bố quốc tế gắn với đào tạo đa ngành; phát triển các nghiên cứu ứng dụng gắn với các vấn đề đương đại của xã hội, địa phương và toàn cầu.

Đây chính là cách UEH định hình vai trò của một đại học đa ngành, sáng tạo và có trách nhiệm trong kỷ nguyên mới.

Hai tiếp cận chiến lược và nền tảng quản trị giúp UEH gắn kết nghiên cứu với đào tạo đa ngành, ứng dụng thực tiễn

Trong bối cảnh giáo dục đại học toàn cầu chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hội nhập và phát triển bền vững, UEH đã chủ động triển khai song song hai tiếp cận nghiên cứu chiến lược: (1) Nghiên cứu gắn với chiến lược quốc tế hóa qua công bố quốc tế gắn với đào tạo đa ngành(2) Nghiên cứu gắn với các vấn đề đương đại của xã hội, địa phương, toàn cầu theo định hướng 17 SGDs. Hai tiếp cận này gắn kết nhân quả với nhau.

Theo đó, để thực hiện quốc tế hóa thông qua công bố quốc tế gắn với đào tạo đa ngành, UEH đã không ngừng thúc đẩy về "lượng và chất" của các công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế (CBQT) thuộc danh mục Scopus, ISI; khuyến khích giảng viên, nhà nghiên cứu hợp tác với các học giả toàn cầu và tham gia vào các mạng lưới học thuật quốc tế uy tín. Kết nối nghiên cứu - đào tạo là nền tảng quan trọng để UEH nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển các chương trình mới, ngành học mới gắn với sự chuyển động tri thức toàn cầu. Ví dụ tại UEH, các CBQT chỉ nhận được tài trợ khi gắn với các lĩnh vực giảng dạy đang đặt trọng tâm và các hướng nghiên cứu chính (research mainstreams) được xác định theo định hướng phát triển từng giai đoạn. Hệ sinh thái này là cơ sở để UEH phát triển đa ngành, mở mới đào tạo nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây như: Arttech; Điều khiển thông minh và tự động hóa; Công nghệ Marketing; Kinh doanh số; Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Công nghệ Logistics; Kiến trúc và thiết kế đô thị thông minh...

Bên cạnh đó, UEH khẳng định vị thế học thuật của UEH trên bản đồ giáo dục đại học toàn cầu bằng tiếp cận mới: nghiên cứu và lan tỏa kết quả nghiên cứu gắn với các vấn đề đương đại. Cụ thể, đại học thực hiện chính sách khuyến khích các công bố có chủ đề gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, hoặc giải quyết các vấn đề ở cấp độ khu vực hoặc toàn cầu theo 17 SDGs. Tiếp theo, các kết quả công bố quốc tế được truyền tải ra cộng đồng thông qua chương trình truyền thông Thương hiệu học thuật, tiên phong lan tỏa rộng rãi các nghiên cứu để đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Ví dụ, tại UEH mỗi bài công bố quốc tế đều cần có 1 trang tóm tắt các hàm ý chính sách/quản lý theo ngôn ngữ có thể truyền tải được đến các bên liên quan và được truyền thông đa hình thức trên hệ thống truyền thông đa kênh của UEH trong chiến dịch truyền thông thương hiệu học thuật. Đây là cách kết quả nghiên cứu có thể đến với công đồng, xã hội sớm nhất, nhanh nhất, bước đầu lan tỏa và truyền cảm hứng ứng dụng kết quả nghiên cứu đến cộng đồng. UEH cũng là một trong những trường đại học đầu tiên chú trọng thực hiện chương trình này tại Việt Nam.

Cũng với tiếp cận này, UEH đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm tư vấn chính sách, đóng góp vào phát triển vùng và địa phương. Ví dụ như các hội thảo quốc tế và quốc gia do UEH tổ chức gắn với sự phát triển địa phương như: Hội thảo quốc gia "Động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ: Tiềm năng và Thách thức", thực hiện Báo cáo kinh tế vĩ mô cho TP.HCM thường niên, tọa đàm chính sách "Thị trường carbon: Dự báo tác động và định hướng chính sách từ TP.HCM", Hội thảo khoa học quốc gia "Đóng góp đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030", chuỗi tọa đàm khoa học quốc gia về triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…

Xây dựng môi trường học thuật, hệ sinh thái nghiên cứu, tiếp tục tài trợ nghiên cứu xuất sắc gắn với thực tiễn và bối cảnh Việt Nam

Bên cạnh hai tiếp cận mới mẻ, nhà trường chú trọng xây dựng môi trường và hệ sinh thái học thuật nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và tạo bệ phóng cho các nhà nghiên trẻ.

Về chính sách, nhà trường không tài trợ/thưởng cho CBQT Scopus Q4, hướng đến các tạp chí cao hơn theo hướng tăng tỷ trọng công bố Q1, Q2, công bố trên các tạp chí có ảnh hưởng cao (top 10% theo Citescore); yêu cầu CBQT thu thập dữ liệu sơ cấp phải gắn với bối cảnh Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Về nhân sự, tiếp tục tuyển dụng giảng viên có năng lực nghiên cứu mạnh, liên tục phát triển năng lực nghiên cứu của giảng viên qua chính sách tài trợ giảng viên tham gia hội thảo quốc tế ở nước ngoài, chương trình học giả quốc tế để cọ xát, học hỏi, phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

Về môi trường học thuật, UEH đầu tư vào thư viện, xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu tạp chí chất lượng; số hóa hệ thống quản lý và theo dõi công bố quốc tế theo quy trình từ đăng ký đề xuất tài trợ, phê duyệt, triển khai, kiểm tra theo dõi kết quả thực hiện, thanh quyết toán; phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh theo Nghị định 109, có sự tham gia của chuyên gia nghiên cứu cộng tác, nghiên cứu sinh, học viên để tạo hệ sinh thái cộng hưởng năng lực nghiên cứu, gắn nghiên cứu với đào tạo.

Về tài chính, UEH hỗ trợ kinh phí cho giảng viên tham gia hội thảo quốc tế, mời chuyên gia quốc tế đến làm việc, hợp tác nghiên cứu; duy trì tài trợ nghiên cứu xuất sắc và tăng mức tài trợ/thưởng cho các công bố gắn với SDG, chỉ tài trợ cho CBQT có dữ liệu sơ cấp gắn với bối cảnh Việt Nam, đầu tư vào cơ sở dữ liệu khoa học, định mức mức thưởng/tài trợ tối đa để khuyến khích giảng viên có năng lực xuất bản tốt tìm kiếm các nguồn quỹ khác, phát triển các dự án quốc tế nhằm thu hút tài trợ quốc tế để đa dạng nguồn thu từ khoa học công nghệ.

Những kết quả khả quan giúp UEH tiếp tục khẳng định vị thế quốc tế bằng nội lực và thực chất

Bằng tiếp cận đổi mới có tính thời đại và đồng nhất với các đại học hàng đầu, tạo hệ sinh thái gắn nghiên cứu và đào tạo định hướng quốc tế, gắn nghiên cứu và thực tiễn, các chính sách của UEH đã thể hiện tính hiệu quả thông qua các con số kết quả.

Từ năm 2000 đến nay, UEH đã có 3.200 bài báo được công bố trên các tạp chí thuộc WOS/Scopus (trong đó, có 255 bài trong 4 tháng đầu năm 2025), 720 bài báo trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất theo Scopus (36 bài trong năm 2025), tỷ lệ bài báo Q1/Q2 trên tổng bài báo Scopus đạt 84,6%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bài báo quốc tế gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc ngày càng gia tăng, đến nay đã chiếm tỷ lệ hơn 50% với 1161 bài. Trong đó, UEH đã thể hiện thế mạnh ở các lĩnh vực truyền thống gắn với SDG8 (Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế), SDG 9 (Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng), SDG 10 (Giảm bất bình đẳng); với đóng góp gần 600 công bố quốc tế trong giai đoạn 2020 - 2023.

Về hệ số ảnh hưởng, công bố quốc tế của UEH gắn với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đều có hệ số trích dẫn điều chỉnh theo lĩnh vực (FWCI) cao hơn 1, đa số là cao 2, điều này có nghĩa là trích dẫn của CBQT ở các SDG đều cao hơn 100% so với bình quân của thế giới.

Đặc biệt ở tiêu chí SDG3 (Sức khỏe và cuộc sống tốt), SDG7 (Năng lượng sạch với giá thành hợp lý) và tiêu chí SDG13 (Hành động về khí hậu), UEH đạt hệ số trích dẫn điều chỉnh theo lĩnh vực (FWCI) cao ở mức 5.

Số liệu công bố quốc tế UEH tính từ đầu năm 2025

Số liệu công bố quốc tế UEH từ 2000 - 2025

Đến nay, tỷ lệ giảng viên UEH tham gia công bố quốc tế ISI/Scopus ngày càng tăng (chiếm tỷ lệ gần 40% trong khung thời gian 3 năm), bình quân UEH đạt 0,8 bài báo quốc tế/giảng viên/năm. Song song với số lượng, chất lượng công bố ngày càng gia tăng với 85% số bài thuộc Scopus phân vị Q1, Q2; 80% đăng trên tạp chí thuộc NXB quốc tế uy tín như Springer, Elsevier, Wiley-Blackwell, Emerald… Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á của nhà trường được xếp vào top đầu Q1 của phân hạng Scopus cũng khẳng định thêm những kết quả đáng khích lệ của nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế trong chiến lược quốc tế hóa của UEH.

Đặc biệt, thông qua chương trình truyền thông Thương hiệu học thuật "Research Contribution for All" được triển khai từ năm 2021, UEH đã lan tỏa hơn 200 chủ đề nghiên cứu đương đại trong đa dạng lĩnh vực từ kinh tế, kinh doanh, luật, chính sách công, công nghệ, thiết kế… gắn với 17 SDGs, với gần 1.000.000 lượt tiếp cận đến cộng đồng.

Những kết quả đạt được cũng góp phần đưa UEH vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín, gắn với phát triển bền vững. Chẳng hạn như UEH đứng thứ 136 các đại học tốt nhất châu Á, thuộc top 501+ các đại học hàng đầu thế giới (THE 2025); top 301+ Bảng xếp hạng QS châu Á; đứng thứ 860 toàn cầu, thứ 234 châu Á và thứ 3 Việt Nam bảng xếp hạng ĐH bền vững của QS World 2024; đứng vị trí 301+ toàn cầu trên bảng THE Impact 2023; thứ 43 toàn cầu trong mục tiêu SDG8 (công việc tốt và tăng trưởng kinh tế).

"Hai tiếp cận chiến lược và hệ sinh thái học thuật chuyên nghiệp được xây dựng đã giúp UEH gắn kết nghiên cứu với đào tạo đa ngành, ứng dụng thực tiễn. Lựa chọn con đường phát triển bằng nội lực, chúng tôi đã và đang không ngừng đổi mới để giải quyết thách thức xã hội và phù hợp với thực tiễn phát triển. Và sẽ luôn kiên định mục tiêu này, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và tri thức cho cộng đồng khoa học thế giới theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, để xứng đáng là một đại học công lập trọng điểm quốc gia của Việt Nam, có vị thế trong khu vực và thế giới", Giáo sư Sử Đình Thành, Giám đốc UEH cho biết.

 
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn