Đình chỉ hút mỡ bụng tại Bệnh viện đa khoa Gia Định TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu Bệnh viện đa khoa Gia Định tạm ngưng thực hiện kỹ thuật hút mỡ bụng sau khi xảy ra một trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng, phải chuyển viện cấp cứu tại bệnh viện này.
Ngày 18.5, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, đơn vị này đã yêu cầu Bệnh viện đa khoa Gia Định tạm thời dừng thực hiện kỹ thuật hút mỡ bụng để làm rõ nguyên nhân gây biến chứng nặng cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật trước đó.
Động thái này nhằm đảm bảo an toàn người bệnh và rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn tại cơ sở y tế này.
Trước đó, vào ngày 12.5, Bệnh viện Quân y 175 đã có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM, báo cáo một trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật hút mỡ bụng, được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa Gia Định.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập đoàn kiểm tra chuyên môn, cử các chuyên gia đến đánh giá nhanh toàn bộ điều kiện đảm bảo an toàn người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Gia Định trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ trong quy trình thực hiện hút mỡ bụng, bao gồm kiểm soát nhiễm khuẩn, chỉ định phẫu thuật và công tác chăm sóc sau mổ.
Từ những đánh giá ban đầu này, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản chính thức yêu cầu Bệnh viện đa khoa Gia Định tạm ngưng toàn bộ các kỹ thuật liên quan đến hút mỡ, đồng thời tiến hành rà soát lại toàn diện điều kiện an toàn người bệnh theo quy định.
Sở Y tế TP.HCM cũng nhấn mạnh yêu cầu bệnh viện triển khai nghiêm túc "Quy trình chăm sóc toàn diện người bệnh thực hiện phẫu thuật hút mỡ tạo hình bụng".
Đây là quy trình chuyên môn chi tiết do các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như ngoại khoa, gây mê hồi sức, phẫu thuật thẩm mỹ, nội khoa, điều dưỡng phối hợp xây dựng. Trong đó, hướng dẫn đầy đủ các bước từ tiếp nhận, chỉ định, phẫu thuật hút mỡ cho đến hậu phẫu, cùng các tình huống có thể xảy ra và cách xử trí.
Sau khi Bệnh viện đa khoa Gia Định hoàn tất báo cáo và triển khai các giải pháp khắc phục, Sở Y tế TP.HCM sẽ tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá lại toàn bộ quy trình và điều kiện chuyên môn. Kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo Bộ Y tế để có hướng chỉ đạo tiếp theo.
Cũng trong ngày 18.5, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật hút mỡ bụng phải tổ chức tập huấn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nói trên nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, ngày 3.5, nữ bệnh nhân tên E. (quốc tịch nước ngoài, ở quận Vò Vấp, TP.HCM) đến Bệnh viện đa khoa Gia Định khám thừa mỡ bụng và được chẩn đoán thừa mỡ bụng.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật hút mỡ bụng, hông và lưng, tạo hình thành bụng. Ca phẫu thuật diễn ra vào chiều cùng ngày, do bác sĩ P.T.P thực hiện.
2 ngày sau, bệnh nhân E. có xuất hiện dấu hiệu mệt, khó thở, tay chân lạnh và được chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu với chẩn đoán choáng nhiễm trùng trên nền bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Trước đó, bệnh nhân từng mổ cắt tử cung.
Bệnh nhân được thở máy không xâm nhập, kháng sinh, vận mạch và cân bằng điện giải. Tuy nhiên, quá trình điều trị bệnh nhân không có dấu hiệu giảm.
Bệnh viện đa khoa Gia Định đã hội chẩn và chuyển viện đến Bệnh viện Quân y 175 vào trưa 9.5, cùng với chẩn đoán choáng nhiễm trùng, suy tim cấp trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
"Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, da niêm nhợt, vẻ mặt nhiễm trùng rõ. Bụng bệnh nhân mềm, vết mổ băng kín, sưng nề đỏ lan rộng thành ngực, lưng, mạn sườn bụng hai bên…", báo cáo của Bệnh viện Quân y 175 nêu.
Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực sau sự cố y khoa này.