Điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn như thế nào - Báo VnExpress

BS.CKII Ngô Trường Sơn, Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết như trên, thêm rằng ung thư tuyến tiền liệt thường di căn đến xương, nhất là cột sống, xương chậu và xương sườn, có thể lan sang hạch bạch huyết, gan, phổi. "Ở giai đoạn di căn, bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị chủ yếu kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh", bác sĩ Sơn cho hay. Tùy theo thể trạng, tình hình di căn và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Liệu pháp hormone thường là lựa chọn đầu tiên trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn. Liệu pháp này nhằm giảm hoặc ức chế sản xuất testosterone - hormone kích thích sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Các phương pháp bao gồm cắt bỏ tinh hoàn, sử dụng thuốc đồng vận LHRH hoặc thuốc kháng androgen.
Hóa trị được sử dụng khi liệu pháp hormone không còn hiệu quả hoặc dùng kết hợp khi bệnh di căn nhiều vị trí. Các loại hóa chất như docetaxel hoặc cabazitaxel có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, làm chậm sự tiến triển bệnh.
Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư ở tuyến tiền liệt. Thời gian điều trị kéo dài 6-7 tuần. Xạ trị thường được sử dụng để giảm đau và kiểm soát các triệu chứng do di căn xương gây ra. Người bệnh điều trị xạ trị có thể gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, rối loạn triệu chứng tiểu tiện, rối loạn cương dương.
Liệu pháp nhắm trúng đích và miễn dịch như thuốc ức chế PARP (như olaparib) hoặc liệu pháp miễn dịch (như pembrolizumab) đang được nghiên cứu và áp dụng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn, nhất là ở những bệnh nhân có đột biến gene BRCA hoặc MSI-H.
Chăm sóc tâm lý cho người bệnh ở giai đoạn này là động viên tinh thần, hỗ trợ tâm lý để vượt qua lo lắng, sợ hãi. Một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống hủy xương để giảm triệu chứng và các biến cố liên quan đến di căn xương.
Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt di căn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, sức khỏe tổng thể, độ lan rộng của khối u và mức độ đáp ứng điều trị. Theo Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt di căn xa khoảng 37%. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện đại góp phần cải thiện hiệu quả, giúp bệnh nhân có thể sống thêm nhiều năm và duy trì chất lượng cuộc sống tốt. Ung thư tuyến tiền liệt có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm, với tỷ lệ sống sau 5 năm trên 99%.
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường gây bí tiểu, tiểu yếu, nước tiểu có máu, dễ nhầm lẫn với phì đại tuyến tiền liệt lành tính, khiến người bệnh bỏ sót. Giai đoạn tiến triển và di căn, triệu chứng bệnh rõ rệt hơn gồm đau cột sống, đau vùng xương chậu, xuất tinh có máu hoặc cảm giác đau buốt, phù nề chi dưới, có thể kèm theo suy thận, gầy sút, thiếu máu.
Ung thư tuyến tiền liệt phổ biến ở nam giới, trên 50 tuổi. Để phòng bệnh, bác sĩ Sơn khuyên nam giới từ 50 tuổi trở lên nên bắt đầu tầm soát ung thư tuyến tiền liệt bằng cách khám trực tràng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm PSA (chất chỉ điểm ung thư tuyến tiền liệt đặc hiệu) nếu cần thiết. Mỗi người nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ít thịt đỏ, bổ sung nhiều chất xơ, tập luyện thể thao thường xuyên, sinh hoạt khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và chất kích thích để giúp phòng bệnh.
Globocan ghi nhận năm 2022 khoảng 1.468.000 ca ung thư tuyến tiền liệt, chiếm 14,2% tổng số ung thư ở nam trên toàn cầu.
Hoài Phạm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |