Nhảy đến nội dung

Điều khiến Bác Hồ rơi nước mắt khi nghe cán bộ nói về đồng bào Tây Nguyên

(Dân trí) - Dù đã 98 tuổi nhưng ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk vẫn nhớ như in 2 lần được gặp và nghe lời căn dặn của Bác Hồ về việc lo cho đồng bào Tây Nguyên.

Ký ức 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ

Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, vẫn nhớ từng khoảnh khắc được ngồi kề bên, nghe những lời căn dặn của Bác Hồ 59 năm trước.

Năm nay đã 98 tuổi, mắt kém, chân tay run, trí nhớ giảm sút. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm được gặp Bác Hồ, ông Quyết vui mừng chia sẻ về ký ức đẹp trong cuộc đời mà ông may mắn có được.

"Tôi tuổi đã cao, tôi có thể quên đi nhiều thứ nhưng ký ức về 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ mãi khắc sâu trong tâm trí tôi", ông Quyết mở đầu câu chuyện.

Năm 1966, khi đang là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Quyết nhận được thư mời của Ban Tổ chức Trung ương về việc ra Hà Nội để đi tham quan, học tập tại Liên Xô. Đây là món quà của Trung ương dành cho hơn 20 cán bộ của miền Nam đã tham gia hăng hái cuộc kháng chiến chống Pháp và đang chống Mỹ quyết liệt.

Thời điểm đó, những cán bộ cách mạng bị Mỹ truy lùng ráo riết, với tiêu chí "giết lầm hơn bỏ sót". Ông Quyết cải trang thành dân thường băng rừng, vượt suối với quyết tâm ra được Hà Nội bằng mọi cách.

"Tôi là cán bộ duy nhất ở Tây Nguyên được ra Hà Nội dịp đó nên trong lòng quyết tâm cao độ phải ra tận nơi, gặp được Bác Hồ. Quá trình di chuyển, nhiều lần gặp nguy hiểm khi địch truy quét nhưng bản thân tôi chưa bao giờ lùi bước. Sau hơn một tháng kiên trì, tôi đã đến nơi an toàn", ông Quyết nhớ lại.

Các cán bộ miền Nam ra Hà Nội được Trung ương bố trí ở tại nhà công vụ gần hồ Gươm để tập hợp đoàn trước khi đi Liên Xô.

Ngày 16/5/1966, ông Quyết cùng nhiều cán bộ khác vỡ òa khi nhận thông tin từ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ thông báo, Bác Hồ sẽ đến thăm. 

Ông Quyết nhớ lại, Bác Hồ tới thăm đoàn cán bộ miền Nam vào sáng sớm nhưng Bác không vào bên trong, Bác chọn một gốc cây cổ thụ để ngồi nói chuyện với các cán bộ.

"Lúc đó tôi đang ngồi dưới gốc cây, Bác Hồ đến rồi rẽ lối và chọn vị trí nơi tôi đang ngồi. Giây phút ấy tôi cảm thấy mình may mắn vô cùng khi được ngồi cạnh Bác, được Bác vỗ vai và còn được chụp ảnh lưu niệm với lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Khoảnh khắc thiêng liêng ấy, tôi không bao giờ quên được", ông Quyết tự hào nói.

Tại đây, Bác Hồ ân cần hỏi thăm quá trình di chuyển của cán bộ từ miền Nam ra.

"Trong mấy năm qua, các cô chú, các cháu chiến đấu rất gian khổ nên Trung ương quan tâm mời tham quan Liên Xô. Đất nước Liên Xô cũng đã trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc ác liệt, hy sinh biết bao người mới có được như ngày nay. Qua Liên Xô, các cô chú, các cháu hãy học tập kinh nghiệm để về nước chiến đấu, giành được thắng lợi cuối cùng", ông Quyết hồi tưởng lại lời căn dặn của Bác Hồ.

Bác Hồ rơi nước mắt vì thương đồng bào Tây Nguyên

Đoàn sau đó được bố trí qua Liên Xô 3 tháng để tham quan, học tập kinh nghiệm chiến đấu. Ngày trở về Hà Nội, ông Lê Chí Quyết cùng các cán bộ miền Nam vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ hai tại Phủ Chủ tịch. Gặp lại các cán bộ, Bác Hồ thăm hỏi về chuyến đi Liên Xô.

Sau khi trò chuyện thân tình, Bác Hồ hỏi: "Có cháu nào ở Tây Nguyên ra đợt này không?", lúc đó ông Lê Đức Thọ đáp: "Thưa Bác! Chỉ có đồng chí Lê Chí Quyết ra thôi ạ". Bác hỏi thêm: "Chú ở tỉnh nào?", "Dạ! Cháu ở tỉnh Đắk Lắk ạ", ông Quyết đáp.

Nghe vậy, Bác Hồ đứng dậy đến cạnh ông Quyết rồi hỏi về đồng bào Tây Nguyên có bị đói không, có vào rừng đào củ, có ra suối bắt ốc, có muối để ăn hay không?.

Hỏi về chuyện ăn ở xong, Bác Hồ hỏi đồng bào có đủ vải để mặc, trẻ em có được mặc ấm hay không?. Bác Hồ còn hỏi về người dân đang gian khổ có được học hành, được biết đến con chữ ra sao?

Trước lời hỏi thăm của Bác, người cán bộ trẻ của Đắk Lắk báo cáo về những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn của đồng bào Tây Nguyên trong giai đoạn chiến tranh; những bữa được, bữa thiếu, phải trốn vào vùng hẻo lánh trồng trọt để nuôi bộ đội, không dám trồng đại trà vì địch phát hiện sẽ phá sạch.

Riêng muối ăn rất hiếm, cán bộ và dân cùng san sẻ với nhau, đốt tranh, đốt lồ ô (một loại tre) để lấy tro có vị mặn, ăn thay muối...

"Tôi còn kể cho Bác nghe về việc thiếu thốn vải để mặc, đồng bào Tây Nguyên phải lột vỏ cây, ngâm dưới suối chờ mục, rồi lấy sợi từ vỏ cây để dệt thành quần áo mặc. Việc học hành khó khăn khi không có vở, không có bút, các cán bộ cùng bà con phải dùng lá chuối phơi héo để làm vở, vót le rừng đốt lên làm bút viết…

Nghe báo cáo xong, Bác Hồ đến bên tôi vỗ vai. Bác ngước lên trần nhà và rơi nước mắt vì thương đồng bào Tây Nguyên. Tôi cũng không kìm nén được nước mắt mà khóc nấc theo", ông Quyết xúc động nhớ lại.

Bác Hồ dặn dò, cán bộ phải đồng hành với đồng bào, phải lo cho nhân dân cái ăn, cái mặc, chuyện học hành. "Bác nói rằng phải giải quyết được cái ăn, cái mặc cho đồng bào Tây Nguyên. Phải no bụng, khỏe mạnh mới có sức mà đánh giặc", ông Quyết chia sẻ.

Bức ảnh "quý hơn vàng" được chụp cùng Bác

Hành trang trở về Tây Nguyên của ông Quyết là những lời căn dặn quý báu của Bác và tấm ảnh nhỏ đen trắng được chụp chung với Người mà ông quý hơn vàng. Trên đường di chuyển, đoàn cán bộ miền Nam không may bị địch phát hiện, ném bom ác liệt, ông Quyết may mắn sống sót nhưng bị gãy tay và được đưa vào bệnh viện dã chiến cấp cứu.

"Nhiều cán bộ từng đi Liên Xô cùng tôi đã hy sinh do trúng bom, có người bị bắt làm tù binh, bị tra tấn dã man. Tôi may mắn sống sót nhưng nghĩ tới đồng đội đã mất, lòng tôi đau đến quặn thắt và nung nấu việc phải quay về Tây Nguyên bằng mọi cách để chiến đấu đến cùng", ông Quyết chia sẻ.

Về lại Tây Nguyên, ông Quyết cùng đồng đội hăng hái tham gia các trận đánh. Vật bất ly thân ông mang trong người đó chính là tấm ảnh ông vinh dự chụp chung với Bác Hồ. Tấm ảnh này được ông gói ghém cẩn thận để sau một ngày dài chiến đấu hay lao động, ông mở tấm ảnh ra ngắm và khắc sâu những lời Bác dạy.

Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra, trong trận đánh Buôn Ma Thuột năm 1975, ông Quyết đưa tấm ảnh chụp cùng Bác cho Chánh Văn phòng Tỉnh ủy giữ hộ.

"Tôi có dặn đồng chí ấy rằng, tôi đánh trận nếu còn sống quay về thì trao trả lại bức ảnh cho tôi. Trường hợp tôi hy sinh, hãy mang tấm ảnh ấy gửi lại cho vợ tôi và nhất định không được làm mất. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tôi trở về và một trong những việc đầu tiên là nhận lại bức ảnh quý giá ấy", ông Quyết nói.

Những lời căn dặn quý báu của Bác Hồ, ông Quyết đã báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk từng câu, từng chữ. Những lần đi địa bàn các huyện, các buôn làng, ông Quyết đều kể lại câu chuyện từng được may mắn gặp Bác Hồ và chia sẻ sự quan tâm, yêu thương lớn lao của Bác dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. 

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn