Điều giúp nghệ sĩ trẻ nối gót bậc thầy mỹ thuật Đông Dương

TPO - Họa sĩ Đặng Xuân Hòa - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam - tự tin Việt Nam không hề thua kém cả về số lượng nghệ sĩ lẫn chất lượng tác phẩm hội họa khi đem lên bàn cân so với khu vực.
Tại tọa đàm nghệ thuật Đương đại trên nền di sản trong khuôn khổ triển lãm các tác phẩm thắng giải cuộc thi UOB Painting of the year (UOB POY) lần thứ hai tại Việt Nam (2024) được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trưởng BGK Đặng Xuân Hòa khẳng định di sản là mạch nguồn xuyên suốt trong hành trình nghệ thuật của đông đảo nghệ sĩ Việt.
Từ thế hệ các họa sĩ danh tiếng thời mỹ thuật Đông Dương đến các nghệ sĩ tạo hình đương đại luôn kế thừa, giữ gìn và sáng tạo trên nền tảng giá trị truyền thống, hồn cốt dân tộc, kể cả trong những giai đoạn nhiều biến động. Đây chính là nền móng để nghệ thuật Việt Nam vươn ra thế giới.
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa phân tích di sản là kho báu nhưng để sáng tạo và thành công với nền tảng này không phải lúc nào cũng hanh thông. Không phải cứ nhắc đến di sản là nghệ sĩ phải gồng mình, nhào nặn theo một khuôn mẫu cứng nhắc, cần được tiếp nhận một cách tự nhiên, không áp lực, thể hiện qua cảm xúc chân thật của người nghệ sĩ.
![]() ![]() ![]() |
Các tác phẩm tại triển lãm UOB POY 2024 mang đến trải nghiệm nghệ thuật đặc sắc cho cộng đồng. |
“Cần tiếp thu yếu tố truyền thống nhưng cũng phải làm mới di sản, cần tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo và đi đến tận cùng để tạo nên những giá trị mới, đóng góp cho sự phát triển của dòng chảy nghệ thuật đương đại”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhấn mạnh.
Họa sĩ Ngô Văn Sắc (Giải bạc hạng mục Nghệ sĩ thành danh, Cuộc thi UOB POY 2024) cho rằng di sản không chỉ là kho báu để khai thác, mà là "chất liệu sống", gắn liền với ký ức, văn hóa và cảm xúc của nghệ sĩ. Từ phong tục, kỹ thuật thủ công đến thẩm mỹ dân gian đều là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng sáng tạo.
Cuộc thi năm 2024 vinh danh 6 nghệ sĩ Việt ở hai hạng mục Nghệ sĩ triển vọng và Nghệ sĩ thành danh. Giải thưởng cao nhất UOB Painting of the year đã thuộc về họa sĩ Nguyễn Việt Cường với Dòng chảy hạng mục Giải thưởng Nghệ sĩ thành danh, giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng nhất năm đã được trao cho họa sĩ Phan Tú Trân với tác phẩm Doraeco.
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa đồng tình và nhận định nghệ thuật đương đại của Việt Nam có phần lôi cuốn hơn, thể hiện được tâm hồn người Việt không dễ bị trộn lẫn.
Việt Nam được tiếp cận cuộc thi UOB POY muộn hơn rất nhiều so với Singapore, Thái Lan, Indonesia nhưng lại bộc lộ nhiều tài năng, tác phẩm mới mẻ, có hồn.
“Tác phẩm của nhiều nghệ sĩ trong khu vực rất mạnh về kỹ thuật nhưng nghệ thuật đến với người xem vẫn phải do ấn tượng về cảm xúc, tâm hồn quyết định”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nói.
![]() |
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa (ngoài cùng bên phải) nhận định họa sĩ Việt gây ấn tượng ở yếu tố cảm xúc, tâm hồn Việt. |
Với vai trò thế hệ đi trước, là người cầm cân nảy mực, họa sĩ Đặng Xuân Hòa khuyên các họa sĩ trẻ bên cạnh khát vọng lao động, tìm tòi cái mới cần giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp trong bối cảnh “nhiễu loạn thông tin”, nhìn thấy cả thế giới qua chiếc điện thoại thông minh.
Chuỗi tọa đàm nghệ thuật tiếp nối tại TP Huế và TPHCM, tạo cơ hội giao lưu giữa các thế hệ nghệ sĩ Việt, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các nghệ sĩ bước ra từ cuộc thi UOB POY và truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ tiếp tục sáng tạo, tìm lối đi riêng trong hành trình đưa mỹ thuật Việt Nam hội nhập, vươn xa.
Cuộc thi UOB POY năm thứ ba tại Việt Nam (2025) mở cổng nhận bài dự thi từ 7/5-1/8. Tác phẩm dự thi phải nguyên bản, được sáng tác trong vòng 2 năm trở lại đây và chưa từng được trao giải. Nghệ sĩ được gửi dự thi một tác phẩm duy nhất, kích thước được khuyến nghị không quá 180 cm mỗi chiều.
Hội đồng giám khảo gồm các họa sĩ nổi tiếng, chuyên gia hàng đầu như họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Lê Thừa Tiến, Đỗ Hoàng Tường, chuyên gia Pamela Nguyen Corey.