Điệu cải lương 'làm mưa làm gió' TikTok của NSND Thanh Hải vừa qua đời

Cả đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc, NSND Thanh Hải để lại nhiều dấu ấn, trong đó có bài "Vọng Kim lang" nổi tiếng từng "làm mưa làm gió" mạng xã hội.
Nhạc sĩ, NSND Thanh Hải trút hơi thở cuối cùng lúc 15h45' ngày 26/5 tại nhà riêng do bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 68 tuổi. Nhiều thế hệ nghệ sĩ bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của "Phù thủy âm thanh" hàng đầu lĩnh vực sân khấu.
Hiện tượng "Vọng Kim lang"
NSND Thanh Hải sinh năm 1957 tại Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha ông là nhạc công đàn tranh, mẹ là nghệ sĩ cải lương.
Sáu tuổi, ông bắt đầu học đàn, theo thời gian trở thành bậc thầy về các loại nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm…
Khoảng năm 1976 - 1977, Thanh Hải khi ấy mới đôi mươi, làm việc tại một nhà đài, ngoài cải lương còn làm một số chương trình ca Huế và bài chòi. Một hôm, ông tình cờ nghe bài Vọng Kim lang của nhạc sĩ Hoàng Lê trên sóng phát thanh của Liên khu V liền rất thích.
Khi bạn - NSND Văn Giỏi hỏi "Gần đây mảng ca Huế và bài chòi có bản nào hay?", Thanh Hải liền đàn bài Vọng Kim lang. Hai người tâm đắc nên hợp soạn phần tiền tấu (intro) rồi hòa tấu bài hát theo cảm nhận riêng, tổng thời lượng gần gấp đôi bản gốc.
Bài Vọng Kim lang gốc được Hoàng Lê sáng tác từ chất liệu sẵn có là các làn điệu dân ca duyên hải Nam Trung Bộ, đã có từ lâu nhưng chỉ phổ biến trong phạm vi sinh hoạt bài chòi, đại chúng không biết hoặc ấn tượng nhiều bởi giai điệu trúc trắc, khuôn khổ, không thể biến tấu.
Qua bàn tay tài hoa của hai nhạc sĩ Thanh Hải và Văn Giỏi, bản phái sinh có giai điệu mượt mà, sống động và rất bắt tai.
Một phiên bản "Vọng Kim lang" được viết lời từ bản phái sinh của Thanh Hải - Văn Giỏi
Khi lên sóng phát thanh, hòa tấu Vọng Kim lang tạo cơn 'sốt' khắp miền Nam, được các soạn giả ưa chuộng nên dần trở thành điệu cải lương phổ biến, nhất là cải lương Hồ quảng. Các tác phẩm có sử dụng điệu này như: Thất thủ Cô Tô thành, Tam đả Châu Ngọc Long, Trắng hoa mai, Sắc tứ Tam Bảo tự, Chiêu Quân cống Hồ, Tiếng trúc thần, Dương gia tướng...
"Chúng tôi luôn khẳng định không sáng tác bài Vọng Kim lang để không bị cho là mạo nhận. Tác phẩm hòa tấu của tôi và anh Giỏi thực sự khác xa bài gốc, được người người, nhà nhà yêu thích", NSND sinh thời từng nói với phóng VietNamNet.
Đến nay, giai điệu Vọng Kim lang do Thanh Hải - Văn Giỏi biến tấu vẫn còn nguyên giá trị, nhiều lần tạo trào lưu trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok.
"Phù thủy âm thanh" sân khấu
Ngoài Vọng Kim lang, hai điệu Phi Vân điệp khúc và Đoản khúc Tam Giang của ông và NSND Văn Giỏi đều được sử dụng phổ biến bậc nhất trong sáng tác cải lương.
NSND góp phần định hình phong cách âm nhạc cho nhiều vở cải lương nổi tiếng: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Người ven đô, Lá sầu riêng, Máu nhuộm sân chùa…
Dù ở bất cứ vai trò nào: nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc hay nghệ sĩ chơi nhạc cụ, Thanh Hải đều cho thấy tài năng vượt trội.
Đặc trưng trong âm thanh giàu sức mê hoặc của ông là sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Thanh Hải thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc từ trẻ, lại hiểu sâu sắc về cải lương và nhiều thể loại âm nhạc truyền thống nhưng luôn luôn thích tìm tòi thể nghiệm và sáng tạo cái mới.
Thời đỉnh cao, Thanh Hải và NSND Bạch Tuyết từng xây dựng mô hình cặp độc diễn - độc tấu, mang đến trải nghiệm nghệ thuật truyền thống mới mẻ chưa từng có cho khán giả tự Bắc chí Nam với các tác phẩm: Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm...
Thanh Hải độc tấu đàn tranh vọng cổ câu 456, dây Xề
Tuổi xế chiều, Thanh Hải vẫn làm việc miệt mài với sức sáng tạo đáng nể. Một trong số các dấu ấn tiêu biểu là 12 năm đồng hành, thành công đưa đờn ca tài tử vào kết hợp môn xiếc đương đại trong À ố show.
Từ lời mời ban đầu là cố vấn âm nhạc, Thanh Hải "ôm trọn" mảng nhạc dân tộc từ hò, ca vọng cổ đến chơi nhạc cụ.
Nhiều đêm diễn, một mình ông chơi đàn tranh, guitar phím lõm, violin, đàn kìm, thỉnh thoảng chơi cả trống - tương đương công việc của một ban nhạc. Tất cả âm thanh ấy tương tác sát sao, chặt chẽ, làm sống động và nâng đỡ phần trình diễn của các nghệ sĩ xiếc trên sân khấu.
Những năm gần đây, Thanh Hải còn say mê sự nghiệp giáo dục. Ông cùng Bạch Tuyết dốc lòng truyền dạy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ yêu cải lương. NSND còn đến các trường học, trong đó có trường quốc tế, dùng ngón đàn điêu luyện chinh phục học sinh, sinh viên.
Có thể vì vậy mà khi NSND Thanh Hải qua đời, hàng chục người trẻ gọi ông là "thầy", chia sẻ dài về ông với cảm xúc tiếc thương. Giấc mơ vun vén thế hệ nghệ sĩ cải lương mới cho bộ môn dù đã dang dở nhưng gia tài nghệ thuật, hoài bão và sự tận tụy của ông sẽ mãi ở lại lòng người.
Lê Thị Mỹ Niệm