Diễn viên nào đang sở hữu một bảo vật quốc gia cùng kho tàng gốm từ thời dựng nước?

Hơn 400 hiện vật gồm bảo vật quốc gia chõ gốm và các bộ sưu tập độc bản, Bảo tàng Gốm thời dựng nước mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người xem.
Ông Phạm Gia Chi Bảo (diễn viên Chi Bảo) - giám đốc Bảo tàng Gốm thời dựng nước, vừa có buổi gặp gỡ giới thiệu về bảo tàng.
Nhà sưu tập gốm Chi Bảo
Chi Bảo cho biết bắt đầu sưu tầm gốm từ nhiều năm qua, hiện sở hữu hơn 1.000 cổ vật gốm thuộc nhiều nền văn hóa tiền Đông Sơn như: văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun; các văn hóa đồng đại như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa sơ sử lưu vực sông Đồng Nai…
Trong đó, ông thích nhất đồ gốm của nền văn hóa Phùng Nguyên vì tính thẩm mỹ, sự độc đáo. Vì vậy, ông dành không gian một căn phòng để trưng bày.
“Tôi thích sưu tầm gốm vì yêu vẻ mộc mạc, duyên dáng của chúng. Khi biết tôi sưu tầm gốm, nhiều người tìm đến hoặc giới thiệu những món đồ gốm đặc biệt. Khi mang về một món đồ gốm nào đó, tôi rất mừng, nhất là chúng đại diện cho một nền văn hóa nào đó.
Thông qua đây tôi có thể giới thiệu đến các bạn trẻ lịch sử văn hóa của dân tộc, những người quan tâm đến cổ vật gốm” - ông Chi Bảo chia sẻ.
Bảo tàng Gốm thời dựng nước hiện trưng bày hơn 400 hiện vật gồm một bảo vật quốc gia chõ gốm Đông Sơn và các bộ sưu tập độc bản.
Chõ gốm Đông Sơn được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12-2024. Chõ gốm làm bằng đất nung ở nhiệt độ cao, khoảng 900°C, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm.
Chiếc chõ gốm do ông Chi Bảo sưu tầm là cái còn nguyên vẹn nhất, lớn nhất, có hình dáng cân đối, hài hòa. Công dụng trước đây của chõ gốm dùng để đồ xôi hoặc hấp lương thực thực phẩm.
Hiện chõ gốm đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trong trưng bày chuyên đề Bảo vật quốc gia - Những kiệt tác di sản tại TP.HCM.
Không gian trưng bày trong Bảo tàng Gốm thời dựng nước được ông Chi Bảo tham khảo mô hình nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng chỉ mô phỏng được một phần. Bởi nhiều nơi riêng chiếc tủ đựng hiện vật có giá hàng trăm ngàn USD với cơ chế tự động hóa. Ông cho biết sau này sẽ tính toán thêm phương án để cải thiện.
Những hiện vật trong bảo tàng cung cấp tư liệu sống động phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, giáo dục về giá trị di sản dân tộc.
Ông Chi Bảo thông tin trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên, đồng thời phối hợp với các trường đại học, bảo tàng trong và ngoài nước để phát triển tài liệu nghiên cứu.