Nhảy đến nội dung
 

Điện về nhịp sống reo vui

Con trẻ í ới rủ nhau đến trường, từng dàn máy gặt đập liên hợp làm việc hết công suất, những rặng dừa trĩu quả ven sông… là hình ảnh dễ thấy tại một số vùng quê Long An, Vĩnh Long… Lưới điện "phủ sóng" đến tận khóm, ấp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhịp đời hòa cùng dòng điện, reo vui tí tách.

Thoát khỏi "vùng trũng"

"Dì ơi, để cho con vài chục dừa. Dì nói chị Năm gom cam bán cho con nha", tiếng chị hàng xóm chuyên gom trái cây gửi đi Sài Gòn lảnh lót. Chị Năm, ngụ tại xã Hiếu Thành (Vũng Liêm, Vĩnh Long) chia sẻ, nhà có gần 1 ha (10 công) đất ông bà để lại. Vài năm nay, gia đình chị tranh thủ trồng cam, bưởi, toàn bộ rìa vườn trồng dừa xiêm. Nhà mẹ chồng chị Năm cũng có vài công dừa rợp bóng mát, sai trĩu quả và gần 10 công đất lúa tốt bời bời… Thu hoạch của gia đình khá cao so với vài năm trước. Để có được cuộc sống "dễ thở" như ngày hôm nay, nhiều hộ dân thừa nhận đó là nhờ ánh sáng điện phủ đến tận ngóc ngách các vùng quê.

Nhớ lại câu chuyện gần 50 năm trước, bà Thanh Nguyễn, ngụ quận 11 (TP.HCM) cho biết, lúc đó vợ chồng bà tổ chức đám cưới ở quê nhà chồng tại Vĩnh Long. Thời điểm ấy, lưới điện chưa "phủ sóng" như bây giờ. Đường về nhà nhỏ xíu, cô dâu men theo cây cầu dừa, xung quanh đồng ruộng ếch nhái kêu ộp oạp. Hôm đó trời mưa, cô dâu lỡ trượt chân té, lúc lóp ngóp bò dậy được đã lấm lem, thật thảm. Tối đến, điện "câu" nhờ từ hàng xóm khá yếu, xem ti vi trắng đen mà nghe rõ tiếng lạch tạch, màn hình tự nhiên phóng to, thu nhỏ loạn xạ… Buổi tối, trẻ nhỏ thường dùng đèn dầu để học bài. Muỗi vo ve quanh chân chỉ có thể dùng quạt giấy phe phẩy đuổi đi. Cái nghèo, cái khó đeo bám, nhưng người dân vẫn kiên trì làm lụng, để "có sức người, sỏi đá cũng thành cơm".

Vùng đất anh hùng Vũng Liêm (một trong các địa phương tiêu biểu diễn ra khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vĩnh Long), cũng như nhiều điểm đến khác ở Nam bộ đang thay da, đổi thịt từng ngày. Cuộc sống của người dân ổn định hơn, kinh tế khấm khá hơn, những lộ nhựa mở rộng hòa cùng lưới điện thắp sáng trưng khắp khóm, ấp. Ông Trần Tuyên, ngụ tại Vũng Liêm cho hay, sắp đến lúc ông thôi làm "tổng quản" và trao truyền lại mảnh vườn trĩu quả cho thu nhập ổn định đến con cái trong gia đình. "Các con tôi, đứa là luật sư, đứa làm nghề y, cũng có đứa từng là công chức địa phương… nhưng nay, các cháu muốn phát triển nông nghiệp sạch, xanh, bền vững. Nhờ có nguồn điện mạnh, ổn định, bọn trẻ dễ dàng áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt của Israel, tưới phun sương cho các loại rau quả, hay sục tưới bùn cho dừa… ", ông Tuyên tâm sự.

Đổi mới từng ngày…

Những ngày này, dọc các tuyến đường đổ về trung tâm huyện Tân Trụ (Long An) rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Hai bên đường, thơm thơm mùi gốc rạ, một số ruộng thanh long trải dài, những vườn dừa tươi xanh… Xa xa, từng tốp trẻ nhỏ tíu tít đạp xe đến trường… Chị Nguyễn Nga, ngụ tại ấp Bình Lợi, xã Đức Tân (Tân Trụ, Long An) không giấu khỏi niềm vui, khi mới cất được ngôi nhà khang trang, sạch sẽ sau nhiều năm chăm chỉ làm việc.

"Cả gia đình, họ hàng tôi đều sống quanh đây. Khoảng 32 năm trước, những đứa học sinh lớp 8 như tụi tui không biết ti vi, máy tính… là gì. Mùa mưa, đường trơn trượt, muốn đi học phải lấy bẹ dừa ném lên đường, đạp chân lên cho khỏi té", chị Nga nói. Nhưng nay, cuộc sống thay đổi như một luồng gió mới. Đường bờ ruộng nhỏ xíu năm nào được mở rộng thênh thang, xe hơi chạy thoải mái. Bọn trẻ trong xóm được sắm xe điện, đi học rất tiện lợi, ba mẹ không phải thay phiên nhau đưa đón tới trường. Sau giờ lên lớp, lũ trẻ tranh thủ học thêm ngoại ngữ, ôn bài trên mạng internet… "Đừng chê vùng quê nha. Bọn trẻ ở đây phát âm tiếng Anh khá chuẩn, nhiều đứa học hành giỏi giang và biết phụ giúp ba mẹ việc đồng áng nữa đó", ông Xuân Trương, một giáo viên ngụ tại Tân Trụ nhận định.

Mới đây, UBND tỉnh Long An giao Công ty Điện lực của tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định phục sinh hoạt và sản xuất cho bà con tại khu vực chưa có điện. Trong năm nay, tiến hành đầu tư xây dựng lưới điện trung hạ thế, cấp điện cho 9/170 hộ ở huyện Tân Thạnh, Tân Hưng. Thêm nữa, thực hiện xã hội hóa hoàn thành đầu tư lắp đặt 5 hệ thống điện mặt trời kết hợp lưu trữ cho 5 hộ dân chưa có điện tại các huyện gồm Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường… Báo cáo mới nhất của Công ty Điện lực Long An cho thấy, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 170 hộ chưa có điện sử dụng.

Vũng Liêm (Vĩnh Long) hay Tân Trụ (Long An) chỉ là một trong những địa danh điển hình ở Nam bộ nói riêng, nước ta nói chung về câu chuyện cột điện "trồng" xuống, ánh sáng bung nở khắp nơi. Ánh sáng yếu ớt của đèn dầu được thay thế bằng ánh sáng điện hiện đại; các khu công nghiệp, nhà máy mọc lên ở Long An, Vĩnh Long đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động… Nhờ có "mạng điện" giăng rộng, tầm nhìn của bà con vươn xa, kinh tế cải thiện, quê hương từng bước đẹp giàu.