Điện chính thức tăng giá

Việc tăng giá bán lẻ điện từ hôm nay (10.5) có thể khiến hóa đơn tiền điện của người dân lập "hat-trick" tăng 3 tháng liên tục.
Giá điện tăng 4,8%
Hôm qua (9.5), xét đề nghị của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tại Quyết định 599 và của Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công thương quyết định mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày hôm nay (10.5) là 2.204,0655 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Cụ thể, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sản xuất dao động từ 1.234 - 3.640 đồng/kWh; giá bán lẻ điện cho kinh doanh từ 1.609 - 5.422 đồng/kWh; giá điện sinh hoạt được tính theo 6 bậc, từ 1.984 - 3.460 đồng/kWh; giá bán buôn điện sinh hoạt theo 6 bậc, từ 1.658 - 2.744 đồng/kWh…
Ngoài ra, Phụ lục đính kèm quyết định này cũng đưa mức giá bán buôn điện sinh hoạt với nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào trạm biến áp do bên bán hay bên mua điện đầu tư. Trong đó, giá bán buôn điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dao động từ 1.210 - 3.334 đồng/kWh; bán buôn điện cho tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt theo 6 bậc từ 1.947 - 3.393 đồng/kWh… Các mức giá điện này đều chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Lý giải việc điều chỉnh tăng giá điện kỳ này, EVN cho hay trong cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo... Sản lượng điện tăng thêm của hệ thống phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua, tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí của khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết mức tăng lần này được cân nhắc kỹ trên cơ sở biến động chi phí đầu vào (giá than, khí cho sản xuất điện) và chi phí tiền điện phải trả của người dân, doanh nghiệp. Việc điều chỉnh giá điện này vẫn tiếp tục bảo đảm các hộ nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Như vậy tính từ đầu năm 2023 đến nay, EVN đã có 4 lần điều chỉnh tăng giá điện (thực hiện trong thẩm quyền của tập đoàn 2 lần) lần lượt tăng 3%, 4,5%, 4,8%, và lần này tăng mức 4,8%, tổng cộng là tăng hơn 17%.
Hóa đơn điện nhận "cú bồi"
Giá điện tăng trong bối cảnh hóa đơn tiền điện của các gia đình đang bước vào giai đoạn tăng mạnh nhất trong năm. Ông Trần Hoàng (ngụ tại Q.11, TP.HCM) cho biết trong tháng 3, hóa đơn tiền điện của gia đình đã tăng 38% so với tháng 2, tháng 4 tăng tiếp hơn 30% so với tháng 3. Tổng 2 tháng vừa rồi, tiền điện tăng gần 70%. Tương tự, gia đình bà Thanh Yến (Q.7, TP.HCM) cho biết tiền điện tháng 4 tăng gần 10% so với tháng 3, tăng 62% so với tháng 2, từ tháng 2 - 4 tăng lần lượt từ 650.000 đồng lên 980.000 đồng và 1,15 triệu đồng.
"Vẫn biết tháng nóng sử dụng điện nhiều, nhưng trong tháng 4 cũng đã vào mùa mưa, nhiều hôm bật máy lạnh đến 4 giờ sáng rồi tắt mà chỉ số điện vẫn tăng phi mã", bà Thanh Yến chia sẻ. Còn với hộ gia đình bà Nam Bình (Q.3, TP.HCM) tiền điện tháng 4 là 2,5 triệu đồng, cao hơn 300.000 đồng so với tháng 3 trong khi từ tháng 2 trở về trước, tiền điện bình quân của gia đình bà dao động từ 1,8 - 1,9 triệu đồng/tháng. "Vẫn biết dùng điện nhiều thì trả tiền nhiều, nhưng cách tính điện bậc thang, nhảy bậc sau giá cao hơn bậc trước, nên khi dùng chênh thêm vài ba chục chỉ số điện, hóa đơn nhảy bậc rất cao", bà Nam Bình nói.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng việc tăng giá bán lẻ điện chắc chắn ảnh hưởng toàn diện giá cả hàng hóa nói chung trong thời gian tới, từ gián tiếp đến trực tiếp. Đặc biệt, CPI từ quý 3 có thể bị ảnh hưởng tăng nên cần cẩn trọng với lạm phát.
"Hóa đơn tiền điện tháng 5 chắc chắn sẽ tăng từ việc tăng giá bán lẻ điện này, người dân tại một số địa phương sẽ phải trả tiền điện cao hơn do vẫn đang mùa nắng nóng. Tuy nhiên, hiện nay, giá xăng đang giảm khá tốt, về mốc 19.000 đồng/lít, đây là mặt hàng hỗ trợ rất lớn cho chỉ số giá tiêu dùng, nhóm giao thông… Vì vậy, trong thời gian tới, với tình hình giá xăng thế giới được dự báo khó có biến động tăng vọt, nhóm hàng nhiên liệu nói cách nào đó cũng có thể hỗ trợ cho nhóm hàng năng lượng", ông Long phân tích.