Nhảy đến nội dung
 

Điểm tuần: Ô tô bị đổ keo, tai nạn liên hoàn, "cò mồi" Bệnh viện Phụ sản

(Dân trí) - Xe bị đổ keo dán sắt khi đỗ trong ngõ ở TPHCM, ô tô tông liên hoàn làm 1 người tử vong ở Hà Nội, xử lý nhóm "cò mồi" tại Bệnh viện phụ sản Trung ương... là những sự việc được quan tâm tuần qua.

Ô tô tông liên hoàn hơn 10 xe máy, 1 người tử vong ở Hà Nội

Sáng 9/7, ô tô do bà N.T.H. (50 tuổi, ở phường Tương Mai, Hà Nội) tông liên hoàn 10 xe máy tại khu vực ngã tư Đại La - Trần Đại Nghĩa. Vụ việc khiến một người tử vong, 9 người bị thương, 13 phương tiện liên quan bị hư hỏng nặng. 

Theo luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), vấn đề mấu chốt để xác định trách nhiệm pháp lý trong vụ việc là nguyên nhân vụ tai nạn, từ đó xác định đây là tình huống bất khả kháng hay có yếu tố lỗi của tài xế. 

Nếu là tình huống bất khả kháng, trách nhiệm pháp lý được miễn trừ còn nếu có lỗi, tài xế có thể bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Ô tô bị bôi keo dán sắt trong hẻm ở TPHCM

Ngày 15/6, anh Sang (34 tuổi, ở TPHCM) đi lấy xe đỗ tại hẻm 209 Lý Thường Kiệt (phường Phú Thọ, TPHCM) thì phát hiện phương tiện bị xịt rất nhiều chất dính, sau đó được xác định là keo dán sắt. Chủ xe đã trình báo công an, đồng thời đưa phương tiện đi sửa chữa. Qua kiểm tra, hãng xe báo giá chi phí sơn sửa lại xe là 81 triệu đồng. 

Bình luận về sự việc, độc giả Binh Pham viết: "Có xe hơi thì đừng tiếc tiền gửi, mỗi tháng chỉ có 1-2 triệu thôi, tại sao cứ phải tận dụng các không gian công cộng, bảo sao người dân họ khó chịu. Mong các chủ xe có ý thức, đừng làm phiền tới những người xung quanh.

Anh Trần Văn Lê đặt giả thiết: "Ví dụ chiếc xe đỗ chềnh ềnh ở đó, đêm khuya có người phải đi cấp cứu hay cháy nổ phải cho xe cứu hỏa vào, nhưng không thể tìm được chủ xe thì phải xử lý ra sao? Cần xem lại ý thức và trách nhiệm của bản thân với cộng đồng và xã hội, còn việc tài sản bị hư hỏng sẽ có pháp luật xử lý".

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), dù bất cứ lý do nào, hành vi tạt sơn, keo hay chất bẩn lên phương tiện của người khác đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. 

Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các tình tiết định khung theo quy định tại khoản 1 Điều này thì có thể bị xử lý hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Nếu giá trị tài sản thiệt hại từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, chế tài xử lý sẽ là phạt tù 2-7 năm. 

Du khách tử nạn khi chơi dù lượn: Không phải ký cam kết là xong!

Chiều 8/7, du khách H.Q.T. (36 tuổi, ở TPHCM) sử dụng dịch vụ dù lượn không động cơ do Công ty Tropical Forest tổ chức khai thác tại khu vực bán đảo Sơn Trà (phường Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Bay đến khu vực bãi Nam thuộc bán đảo Sơn Trà, dù lượn gặp sự cố làm du khách bị rơi xuống rừng gần bờ biển và tử vong, phi công bị thương, phải đi cấp cứu tại bệnh viện. 

Luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận với hậu quả làm chết người, bất kể nạn nhân có ký cam kết về việc miễn trừ trách nhiệm với đơn vị cung cấp dịch vụ hay không, cơ quan chức năng vẫn sẽ tiến hành xác minh làm rõ vụ việc. Trong đó, mấu chốt để xác định trách nhiệm pháp lý sẽ là nguyên nhân vụ tai nạn, trong đó cần làm rõ yếu tố lỗi (nếu có) của các cá nhân, tổ chức khi kinh doanh, cung cấp dịch vụ trò chơi mạo hiểm. 

Quá trình xác minh, nếu phát hiện yếu tố lỗi trong cung cấp dịch vụ hoặc cấp phép kinh doanh dịch vụ mạo hiểm dẫn tới hậu quả chết người, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định. 

Xử lý nhóm người náo loạn cổng viện, lừa dối bệnh nhân tại Hà Nội ra sao?

Công an TP Hà Nội đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Thu Hương (45 tuổi, ở phường Bạch Mai), Lê Công Ngôi (41 tuổi, ở phường Vĩnh Hưng) và Nguyễn Văn Tâm (42 tuổi, ở xã Trần Phú) để điều tra hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh. 

Hương là người mở phòng khám sản phụ khoa tại số 44 Thợ Nhuộm (phường Cửa Nam, TP Hà Nội) dù không phải bác sĩ, còn Ngôi và Tâm là "cò mồi" chèo kéo khách về phòng khám, ăn chia tiền "hoa hồng" với Hương. Công an xác định có 27 bệnh nhân qua phòng khám của Hương để khám bệnh, tổng số tiền thu lợi là 123 triệu đồng.

Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh là khám chữa bệnh khi không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hoặc không có giấy phép hoạt động. Do đó, có thể thấy Hương đã có dấu hiệu vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, thu lợi bất chính số tiền lên đến 123 triệu đồng, có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015. 

Đối với 2 đối tượng "cò mồi", cần xác định các đối tượng có biết rõ Hương không phải bác sĩ hay không, và sự "hợp tác" giữa các đối tượng có phải hành vi có chủ đích, móc nối, thông đồng nhằm ăn chia lợi nhuận rõ ràng hay không. 

Vỉa hè thành "sân nhà" của quầy hàng rong giữa Thủ đô

Chiều 4/7, một cô gái đứng ở vỉa hè trước số nhà 36 Phạm Hùng (phường Từ Liêm, Hà Nội) để đợi xe thì xảy ra mâu thuẫn với người phụ nữ lấn chiếm vỉa hè để bán trà đá là bà L.T.K. (51 tuổi, ở xã Sơn Đồng, Hà Nội). 

Bà K. đề nghị cô gái "không được đứng đây bắt xe" và cho biết khu vực đó là nơi "tao bán hàng". Sau khi lời qua tiếng lại, bà K. đá vào vali của cô gái. Khi được mọi người can ngăn, hai bên tự giải tán và không trình báo cơ quan công an.

Từng là nạn nhân của thói ngang nhiên, lộng hành của các hàng quán tự do lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, anh Dinh Tran Huu kể lại: "Tôi đỗ xe ở chỗ được phép đỗ mà suốt ngày bị mấy người bán hàng phun cà phê lên xe. Đề nghị công an vào cuộc. Họ hổ báo vậy thôi, lên gặp công an là lại ngoan như cún". 

"Chuyện vỉa hè Hà Nội như trên và nhiều nơi khác đã trở thành quá quen thuộc với người dân. Vỉa hè dường như thành "sân nhà" của những người bán hàng, bán hàng rong và nhà mặt phố", độc giả Linh Thảo ngán ngẩm bình luận. 

Đám đông "hôi" 4 tấn vải của xe tải gặp nạn

Ngày 7/7, mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh hàng chục người dân mang bao tải, đi xe máy, rủ nhau ra nhặt vải ven đường tại một khu vực nghĩa trang thuộc Thanh Oai (Hà Nội).

Theo đó, một tài xế trên đường chở vải từ Bắc Giang về đến địa phận Hà Nội không may bị lật xe. Trong lúc đưa xe đi sửa, người dân tưởng là hàng bị bỏ nên đã tranh nhau nhặt mang về. Khi quay lại, bác tài bàng hoàng phát hiện toàn bộ số vải đã bị lấy sạch.

"Người ta đang gặp hoạn nạn mà nỡ lòng nào lại lấy đi của họ như thế? Đã không giúp đỡ thì thôi, lại còn lấy mất thứ mà họ đang vất vả kiếm tiền để nuôi sống gia đình. Mong ai trót nhặt vải của người bị nạn hãy sớm trả lại.

Mình mang về ăn rồi có bao giờ nghĩ đến nỗi khổ của họ không? Nếu không suy nghĩ gì thì cứ tiếp tục, còn nếu còn một chút lương tâm hãy tìm cách mang trả lại. Đừng làm thế. Cái gì là của mình thì dùng, không phải của mình thì đừng tham lam”, độc giả Phạm Phương bày tỏ

Đừng tham của rơi mà đánh mất nhân tính. Hãy dũng cảm trả lại cho người bị nạn, đó mới là nhân văn và có đạo!. Ông bà ta từng dạy, ra đường thấy của đánh rơi hay đồ ai bỏ quên thì đừng nhặt mà mang tội!. Hãy học theo nhân cách ông cha để lòng trong, dạ sáng", bạn đọc Khuynh Diệp nhắn nhủ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn