Điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 phơi bày trình độ thật của học sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã đi qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn âm ỉ trong từng câu chuyện gia đình, từng dòng bình luận trên mạng xã hội và cả trong suy nghĩ của những người làm giáo dục. Điểm thi năm nay, đặc biệt là ở các môn như Toán, Văn, Tiếng Anh, cho thấy một điều không thể chối cãi: đề thi đã làm tốt vai trò phân hóa năng lực học sinh.
Điều này được thể hiện rõ qua phổ điểm rất đẹp, phân bố tự nhiên từ thấp đến cao, chứ không còn dồn cục quanh mức 8-9 điểm như một số năm trước. Đáng nói hơn, dù nhiều người kêu đề khó, vẫn có hơn 500 điểm 10 môn Toán toàn quốc. Điều đó cho thấy đề không "đánh đố" mà chỉ phân hóa, chọn lọc ra những học sinh giỏi thực sự. Vậy mà vẫn có những phụ huynh cho rằng con mình giỏi nhưng thi điểm thấp do đề "quá khó". Liệu chúng ta có đang đánh giá sai năng lực thật của con em mình?
Trong nhiều năm trở lại đây, việc xét tuyển đại học bằng học bạ, tình trạng học sinh có học bạ "đẹp như vẽ", điểm trên lớp cao chót vót nhưng thi thật lại "tụt dốc" không phanh. Tất cả đã tạo nên một ảo tưởng về năng lực học sinh. Hệ quả là khi đề thi quay về đúng với chức năng "phân hóa", phụ huynh và thậm chí cả học sinh cảm thấy hụt hẫng, cho rằng đề thi không công bằng. Nhưng công bằng là khi ai giỏi thì được điểm cao, và người ở mức khá, trung bình cũng được đánh giá đúng trình độ.
>> 'Trời sập' khi tôi biết mình trượt đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay có lẽ đã làm một điều rất đáng hoan nghênh: giảm phụ thuộc vào học thêm, học tủ, học vẹt. Muốn đạt điểm cao, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà phải biết tư duy và vận dụng, đặc biệt ở những môn như Toán và Tiếng Anh. Đây cũng là lý do nhiều giáo viên dùng đề cũ, không cập nhật kiến thức thực tiễn, khiến học sinh bị động trước những câu hỏi mới mang tính ứng dụng. Nói cách khác, không thể kỳ vọng điểm cao khi cách học vẫn cũ. Và cũng không thể kêu đề thi "lạ" khi chính cuộc sống đang thay đổi từng ngày.
Một điểm đáng chú ý nữa là sự cách biệt rõ rệt giữa điểm số thi thật và điểm trung bình trong học bạ ở nhiều địa phương. Có trường điểm trung bình Toán trên lớp là 8,5 nhưng điểm thi thật lại toàn dưới 6. Điều này không phải lỗi của học sinh, mà là một lời cảnh báo cho cả hệ thống: đừng tô vẽ cho một năng lực chưa tới.
Bài học rút ra từ kỳ thi năm nay không chỉ dành cho học sinh, mà còn dành cho phụ huynh, giáo viên và cả hệ thống giáo dục. Chúng ta từng hô hào phải "phát triển năng lực cho trẻ", thì bây giờ, khi đề thi đã đi theo đúng hướng ấy, liệu chúng ta có đủ dũng cảm để chấp nhận một thực tế khách quan hơn về năng lực học sinh? Chúng ta nên tiếp tục nuôi dưỡng ảo tưởng về điểm số, hay chấp nhận sự thật để điều chỉnh cách học, cách dạy cho sát với năng lực thật của thế hệ trẻ?
Bảo Nam