Điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội: Căng như dây đàn

Theo quy định của Hà Nội, mỗi thí sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm nay có 3 nguyện vọng vào lớp 10 không chuyên.
Trong đó, nguyện vọng (NV) 1 và 2 nằm trong một khu vực tuyển sinh (Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh), NV3 nằm trong khu vực bất kỳ.
Ngoài ra, thí sinh còn có thể đăng ký NV vào hai trường chuyên (xét độc lập so với khối không chuyên). Tuy nhiên, áp lực xét tuyển lớp 10 ở Hà Nội vẫn lớn do cơ hội đỗ tập trung nhiều vào NV1.
Căng thẳng chờ điểm chuẩn vào lớp 10
Theo quy định của Hà Nội, điểm xét tuyển NV2 sẽ cao hơn 1 điểm, điểm xét tuyển NV3 sẽ cao hơn 2 điểm so với điểm chuẩn (NV1). Vì thế để có thể có cơ hội chia đều cho các NV, khi đăng ký dự tuyển, thí sinh phải lựa chọn NV2 vào các trường có dự kiến điểm chuẩn thấp hơn điểm chuẩn trường đăng ký NV1 từ 1 - 2 điểm. Việc này cũng tương tự như cách chọn trường đăng ký NV3.
Vì thế với những trường cùng tốp (điểm chuẩn chỉ dao động 1-2 điểm, thí sinh chỉ có thể chọn một để đăng ký cho NV1. Nguyện vọng 2 - 3 thường để "chống trượt", không phải lựa chọn yêu thích. Chính vì thế mà có tới 3 NV vào lớp 10 THPT không chuyên nhưng phụ huynh và thí sinh vẫn nín thở chờ điểm chuẩn.
"Hôm nay tôi xin nghỉ làm chỉ để chờ điểm thi, điểm chuẩn của con" - chị Hồng ở phường Tây Hồ, có con đăng ký NV1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng, chia sẻ. Chị cho biết nếu con không đỗ NV1, có thể gia đình sẽ cho con học trường tư thay vì nhập học theo NV2, 3. Cũng vì thế mà chị và gia đình khá căng thẳng trong ngày chờ điểm thi, điểm chuẩn.
Chị Làn, một phụ huynh khác ở phường Yên Hòa, cho biết con chị dự kiến được điểm toán và tiếng Anh với khoảng 17,5 điểm. Nhưng điểm văn thì khó đoán.
"Con còn căng thẳng hơn tôi, thức suốt đêm trước. Lo con không đỗ một phần, tôi lo con sốc 10 phần" - chị Làn nói.
Con gái chị Làn đăng ký NV1 vào Trường THPT Yên Hòa, NV2 vào Trường THPT Quang Trung - Đống Đa, còn NV3 là một trường ngoại thành. Chị cho biết nếu chỉ đỗ NV3 thì con sẽ phải đi học cách nhà hơn 15km.
Bao giờ hết "áp lực lớp 10"?
Năm học 2025 - 2026, Hà Nội tăng chỉ tiêu xét tuyển vào trường công lập và công lập tự chủ với tổng chỉ tiêu cho trường THPT công lập là 79.740 (tương ứng với 1.795 lớp), tăng thêm so với năm học trước trên 5.000 học sinh.
Có 70/122 trường THPT khối không chuyên tăng chỉ tiêu năm nay, trong đó tăng nhiều nhất là Trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên) với 180 học sinh, THPT Đa Phúc (Sóc Sơn) và THPT Thường tín 135 học sinh. Đây đều là các trường thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội. Một số trường khu vực nội thành được giao tăng chỉ tiêu nhưng số lượng không nhiều như THPT Yên Hòa, THPT Việt Đức, THPT Phan Đình Phùng...
Bốn trường THPT chuyên của Hà Nội năm học 2025 - 2026 cũng tăng gần 500 chỉ tiêu so với năm học trước, với 2.730 chỉ tiêu cho 78 lớp chuyên.
Trong đó Trường THPT chuyên Sơn Tây tăng chỉ tiêu mạnh nhất (210 học sinh, tương đương với 6 lớp chuyên). Ngoài ra, các trường THPT tư thục tại Hà Nội cũng được giao tuyển 27.919 học sinh với 635 lớp.
Trong năm học 2025 - 2026, Hà Nội dự kiến có thêm 3 trường THPT công lập mới, đưa số lượng trường THPT công lập và công lập tự chủ tại Hà Nội lên 125 trường.
Nhưng mạng lưới trường lớp này vẫn mới chỉ đáp 64% so với số thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Chất lượng giáo dục giữa các trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, chất lượng giữa trường công với trường tư vẫn còn độ vênh quá lớn. Với thực trạng này, áp lực tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội sẽ vẫn tăng nhiệt trong những năm tới.
Cách tính điểm khác những năm trước
Cách tính điểm chuẩn vào lớp 10 khối không chuyên năm học 2025 - 2026 khác các năm trước.
Cụ thể điểm xét tuyển bằng tổng điểm 3 môn thi (hệ số 1) cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Trong khi năm trước cũng có 3 môn thi nhưng điểm môn văn, toán (hệ số 2) và điểm ngoại ngữ (hệ số 1).
Sự thay đổi cách tính điểm này là yếu tố tác động để điểm chuẩn tăng nhẹ ở nhóm trường tốp trên khu vực nội thành. Lý do tỉ lệ điểm giỏi ở môn tiếng Anh của học sinh khu vực nội thành thường cao, trong khi năm nay cả 3 môn thi đều tính hệ số 1. Các trường tốp đầu đều có điểm trung bình môn/điểm chuẩn trên 8 điểm.
Nhìn lại điểm chuẩn ba năm gần đây của các trường tốp trên của Hà Nội thì thấy điểm trung bình môn/điểm chuẩn là trên 8 - 8,5.
Cụ thể Trường THPT Phan Đình Phùng trong ba năm qua, điểm trung bình mỗi môn của điểm chuẩn lần lượt là 8,4 điểm, 8,55 điểm và 8,35 điểm; Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) là 8,05 điểm, 8,35 điểm và 7,9 điểm; Trường THPT Việt Đức là 8,35 điểm, 8,6 điểm và 8,25 điểm; Trường THPT Thăng Long 8,3 điểm, 8,2 điểm và 8,45 điểm; Trường THPT Kim Liên 8,25 điểm, 8,65 điểm và 8,35 điểm; Trường THPT Cầu Giấy là 8,05 điểm, 8,3 điểm và 8,0 điểm; Trường THPT Yên Hòa là 8,45 điểm, 8,45 điểm và 8,5 điểm.