Điểm cập bến của những chuyến tàu không số đưa vũ khí từ Bắc vào Nam

(Dân trí) - Tháng 10/1962, một chuyến tàu chở 30 tấn vũ khí từ miền Bắc vượt biển cập bến Vàm Lũng (Cà Mau). Đây là chuyến tàu đầu tiên của đoàn tàu không số khai thông tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tối 24/4, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển (điểm bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển).
Bến Vàm Lũng là nơi chuyến tàu đầu tiên của "đoàn tàu không số" vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam cập bến thành công, chính thức khai thông tuyến đường vận tải chiến lược trên biển Đông - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Chuyến "tàu không số" đầu tiên từ Bắc vào Nam cập bến thành công
Sau Đồng Khởi năm 1960, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam, nhu cầu chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, trong khi các tuyến vận tải trên bộ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến vận tải quân sự chiến lược từ Bắc vào Nam trên biển, tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam.
Ở Cà Mau, đồng chí Bông Văn Dĩa (sau này là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) nhận nhiệm vụ ra miền Bắc bằng đường biển, vừa khảo sát tuyến đường vận chuyển, vừa thăm dò và báo cáo với trung ương. Sau khi kiểm tra thăm dò địa hình đã xác định bến Vàm Lũng là nơi tiếp nhận vũ khí thuận lợi nhất.
Chuyến tàu đầu tiên của "đoàn tàu không số" mang phiên hiệu "Phương Đông 1" chở 30 tấn vũ khí từ bến K15, Đồ Sơn (TP Hải Phòng) mở đường vào Nam vào ngày 11/10/1962. Đến ngày 16/10/1962, tàu "Phương Đông 1" do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã cập bến Vàm Lũng an toàn.
Tiếp theo đó, những con tàu mang phiên hiệu "Phương Đông 2", "Phương Đông 3",… vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Qua thống kê, từ năm 1962 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, bến Vàm Lũng đã tiếp nhận 68 chuyến tàu, với hơn 4.000 tấn vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến trường Nam Bộ.
Bến Vàm Lũng gắn liền với tên tuổi của Đoàn 962 (thành lập tháng 9/1962) có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào - ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị lực lượng vũ trang của ta phục vụ chiến đấu.
Khu vực này dựa vào địa hình hiểm trở, kênh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ, tạo điều kiện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng dễ dàng hoạt động.
Bên cạnh đó, nhờ sự đùm bọc, che chở của nhân dân, không sợ hy sinh, gian khổ của bà con Rạch Gốc, Tân Ân (huyện Ngọc Hiển ngày này) như những "lũy sắt, thành đồng" để bảo vệ cách mạng. Nhờ vậy, trong hơn 10 năm hoạt động, các cơ sở của Đoàn 962 được bảo vệ an toàn.
"Bến cảng giữa lòng dân"
Chia sẻ về tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, bày tỏ sự xúc động khi bến Vàm Lũng được nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đại tá Khưu Ngọc Bảy điểm lại, các chuyến tàu của Đoàn 962 ngoài chở vũ khí, còn chở nhiều cán bộ trung ương tăng cường cho cách mạng miền Nam.
Ông nhấn mạnh, trong hoạt động của Đoàn 962, có một nhân tố trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ của đoàn đó là nhân dân. Theo ông, muốn mở bến phải di dân để xây dựng căn cứ và phải giữ bí mật nhiệm vụ của đơn vị, nhưng lại cần sự chở che đùm bọc của nhân dân. Về phía nhân dân, khi cách mạng cần xây dựng căn cứ thì người dân tự giác di dời.
Sau này, khi nhân dân và chính quyền địa phương biết được nhiệm vụ của Đoàn 962 thì càng gắn bó, bảo vệ các hoạt động của đoàn chặt chẽ, hiệu quả hơn.
"Xuất phát từ tấm lòng, nghĩa cử của nhân dân và chính quyền địa phương với Đoàn 962, chính sự đoàn kết quý báu đó đã tạo nên một "bến cảng giữa lòng dân" tồn tại trong tâm trí của chúng tôi suốt thời chiến tranh cho đến tận bây giờ", Đại tá Khưu Ngọc Bảy bày tỏ.
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 cũng chia sẻ, mỗi lần về lại bến Vàm Lũng, ông cùng đồng đội luôn nhớ đến 2 người con ưu tú có quê hương ở đây là anh hùng Bông Văn Dĩa (chính trị viên của tàu cập bến Vàm Lũng đầu tiên) và anh hùng Nguyễn Văn Cứng (một trong những thuyền trưởng giỏi của tàu chở vũ khí của Đoàn 962).
"Những người anh hùng này đã làm nổi bật lên sự gắn bó giữa con thuyền và bến. Nói lên một điều rằng trong thuyền có bến, trong bến có thuyền. Thành công của bến cũng là thành công của các con tàu không số", Đại tá Khưu Ngọc Bảy nhấn mạnh.
Con đường huyền thoại và di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Cà Mau
Phát biểu tại buổi lễ đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định tầm vóc của đường Hồ Chí Minh trên biển là hết sức lớn lao, đã phát huy tinh thần, sức mạnh dân tộc với một quyết tâm và ý chí sắt đá không gì lay chuyển.
Chính từ sự quyết tâm và ý chí kiên cường ấy, những chiến sĩ của các "đoàn tàu không số" đã có được những cách thức đi biển, cũng như cách thức vận chuyển vũ khí cực kỳ sáng tạo, công khai mà bí mật để có thể vận chuyển một cách an toàn, hiệu quả nhất.
Trong thực hiện nhiệm vụ, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, những người con của đất nước đã mãi mãi nằm lại biển khơi vì sự an toàn tuyệt đối của tuyến đường. Chính cái tên "tàu không số" đã tạo nên sức mạnh biểu cảm, làm lay động trái tim của mỗi người dân yêu nước, niềm tự hào to lớn trong dòng chảy cách mạng của dân tộc ta.
Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại, một kỳ tích, là sự độc đáo và sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Cà Mau có 55 di tích được công nhận các cấp, trong đó bến Vàm Lũng thuộc đường Hồ Chí Minh trên biển là di tích đầu tiên của tỉnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt", ông Luân cho biết.
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau bày tỏ, vinh dự này trước hết thuộc về cán bộ, chiến sĩ của đoàn tàu không số. Đảng bộ và nhân dân Cà Mau xin mãi mãi tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã tham gia mở đường, lập bến, hoạt động tại bến Vàm Lũng và đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt "Đường Hồ Chí Minh trên biển" ở các địa phương: Thành phố Hải Phòng (bến K15, Đồ Sơn), tỉnh Phú Yên (bến Vũng Rô), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (bến Lộc An), tỉnh Cà Mau (bến Vàm Lũng).