Địa danh 'lạ' bước ra từ cuộc chiến: Ly kỳ tên đèo 'Mẹ ơi'

Trước khi đặt chân đến bình nguyên A Lưới (cách trung tâm TP.Huế chừng 70 km về phía tây), khách phải vượt cung đèo "Mẹ ơi" trên QL49, chỉ có lên dốc chứ không có xuống. Nay đèo được đổi tên thành A Co, nhưng những lý giải xung quanh cái tên cũ đầy thảng thốt này vẫn có sự khác nhau.
MẸ ƠI - LỜI CA THÁN KHI VƯỢT DỐC CAO ?
Tuyến đường 12 lịch sử (hay đường 72 nay là QL49) dù được nâng cấp, sửa chữa nhiều lần thì đến nay vẫn là cung đường thách thức các tay lái bởi độ hiểm trở, khúc khuỷu. Bên cạnh những cái tên Tà Lương, Kim Quy thì đèo "Mẹ ơi" ngày xưa thật sự là nỗi ám ảnh của cánh tài xế bởi độ dốc rất cao. Chinh phục được "Mẹ ơi" cũng là lúc thở phào khi đến được ngã ba Bốt Đỏ (điểm giao của đường 72 với 14B - một phần hệ thống di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh huyền thoại). Dù được đổi tên thành đèo A Co (lý trình Km 63 - 78) thì "Mẹ ơi" vẫn hằn sâu trong tâm trí nhiều người như một chứng nhân lịch sử, là ký ức một thời khốn khó gánh theo tên làng, tên xã từ miền xuôi lên khai phá mảnh đất A Lưới sau chiến tranh.
Ông Lê Phúc Tài (85 tuổi, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Quảng Hợp, xã Sơn Thủy), người có 60 năm gắn bó với A Lưới, kể rằng trong kháng chiến đường 12 cũ gắn với đèo "Mẹ ơi" là tuyến đường ngang chiến lược nối với đường Hồ Chí Minh nên bị đánh phá hết sức ác liệt. "Có lẽ cái tên "Mẹ ơi" ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1960 - 1970, khi bộ đội ta chủ trương mở đường để vận chuyển khí tài, đạn dược… về Huế. Ngày trước, khi đường chưa được nắn tuyến, hạ thấp cao độ, đèo "Mẹ ơi" có những điểm nằm chót vót trên đỉnh núi. Từ điểm cao nhìn xuống vực sâu là run chân. Tôi đi bộ vượt đèo, đầu gối chạm ngực cũng phải thốt lên "Mẹ ơi, mệt quá!"… Cái tên đèo "Mẹ ơi" không biết do ai đặt, nhưng chí lý lắm", ông Tài nói.
Những lý giải của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Hạ giai đoạn 1992 - 2005) về tên đèo "Mẹ ơi" có phần chi tiết hơn. Ông kể đèo được tính từ con dốc cao có tên Căn Pi Sung (từ cầu xã Hồng Hạ ngày nay) rồi len qua những cánh rừng già trước khi đến Bốt Đỏ. Trong giai đoạn trước và sau chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 khoảng vài năm, tuyến đường 12 được mở rộng để phục vụ chiến trường. "Khi mở đến vùng hẻo lánh khu vực A Co với rừng xanh rậm rạp, cheo leo, thanh niên xung phong, nhất là phụ nữ vì quá mệt mà kêu "Mẹ ơi, cao quá!". Từ đó, đoạn đèo này chết tên "Mẹ ơi", gợi cho người nghe rất nhiều cảm xúc. Văn hóa người miền Trung mình mà, cái chi khó khăn, cực nhọc cũng hay kêu "Mẹ ơi" lắm", già Hoài Nam dí dỏm.
NƠI LẬP CÔNG ĐẦU CỦA NỮ ANH HÙNG
Chiến tranh đi qua, đường 12 cũ cũng trở thành tuyến huyết mạch để phục vụ phát triển kinh tế vùng tây Thừa Thiên. Tên đèo "Mẹ ơi" từ trong cuộc chiến được đổi tên thành A Co - vốn là tên cũ của vùng chiến khu xưa, gắn liền với nhiều trận đánh, chiến công oanh liệt của quân và dân xã Hồng Hạ. Sau nhiều lần nắn tuyến, hạ độ cao, điểm cao nhất của đèo "Mẹ ơi" đã dần lui vào rừng sâu nhường chỗ cho cung đường phẳng lì của QL49. Dù được đổi tên hơn 30 năm, nhưng trong tâm khảm của các thế hệ xã Hồng Hạ, đèo "Mẹ ơi" vẫn là cái tên thân thương gợi lên những ký ức bi hùng.
Phó chủ tịch UBND xã Hồng Hợi Lê Văn Hợi cho biết trong chiến tranh, phía đèo A Co được địch xây dựng hệ thống 4 đồn bốt, mỗi lô cốt bố trí từ 7 - 12 lính. Ngày nay, tại khu vực này vẫn còn nhiều vật liệu nổ còn sót lại. "Đèo A Co gắn liền với những chiến công hiển hách của nhiều chiến sĩ, đặc biệt là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Kăn Đơm", ông Hợi nói. Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Hạ ghi nhận tháng 2.1961, địch từ đồn A Lưới càn quét đến A Co. Ta bố trí một tổ du kích do Kăn Đơm chỉ huy chủ động đánh địch. Với súng đạn và vũ khí truyền thống là chông, bẫy, Kăn Đơm đã đánh 5 trận trong ngày..., địch vội vã rút về đồn. Đây là trận đầu tiên nữ du kích miền núi tham gia đánh giặc. Từ trận đầu tiên này, nữ du kích Kăn Đơm cũng như nhiều cô gái miền tây Huế tham gia đánh giặc rất anh hùng... Cuối năm 1994, bà Kăn Đơm đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Phó chủ tịch UBND xã Hồng Hạ nhận định từ trong chiến tranh, khu vực đèo A Co là địa bàn trọng điểm được địch chốt đóng. Nhưng nơi này cũng trở thành tử địa của lính đồn trú. "Từ "Mẹ ơi" của cung đèo rất ý nghĩa nếu xuất phát từ bối cảnh bộ đội ta vượt khó, vượt khổ để làm đường. Nhưng "Mẹ ơi" cũng là từ thể hiện nỗi khiếp sợ mà có thể quân địch phải thốt lên khi đối mặt với sự truy kích, vây ráp của quân ta…", ông Hợi mở hướng lý giải mới.