Đi họp lớp, nghèo nên tự ti hay ngại cái không khí giả lả mà đầy áp lực?

Họp lớp, lẽ ra để vui. Thế nhưng vì sao nhiều người chọn không đến, hoặc đến rồi rời đi cùng tiếng thở dài?
Âm thầm trả tiền, bị cho là "thể hiện"
Tôi có người chị họ tên Thư. Chị từng là hoa khôi của lớp chuyên văn một trường tỉnh. Đẹp, học giỏi, cá tính, hồi ấy đi đến đâu cũng có người nhắc tên. Ra trường, chị vào thành phố học đại học rồi ở lại làm bên lĩnh vực truyền thông.
Cũng vất vả, nhưng chị luôn giữ được vẻ ngoài chỉn chu, sống khá kín tiếng. Mãi đến khi được mời về họp lớp sau 18 năm ra trường, chị mới nhắn tôi: "Đi mua giúp chị bộ đồ nào nhìn vừa thành đạt vừa không quá nổi".
Lần đầu tiên tôi thấy chị căng thẳng vậy. Chị cười: "Không phải sợ bị so sánh đâu, nhưng mình từng là tâm điểm, giờ không thể quá lu mờ".
Tối họp lớp, chị chỉ ở lại chưa đầy một tiếng. Về đến nhà, chị ngồi thừ ra. Tôi không dám hỏi, nhưng thấy ánh mắt chị rất buồn.
Hôm sau Facebook chị hiện dòng tâm trạng: "Có những gương mặt từng thân thuộc, nay chỉ còn lại cảm giác lịch sự xa lạ".
Tôi từng chứng kiến một buổi họp lớp khác của anh bạn thân, dân khối A, nay là kỹ sư công trình.
Trong lớp cũ có người thành giám đốc, người đi xuất khẩu lao động về mở xưởng cơ khí, có bạn đi nước ngoài, có người làm mẹ toàn thời gian… Ban đầu mọi người vẫn hỏi han vui vẻ. Nhưng càng về sau, tiếng cười càng thưa.
Có người khoe con học quốc tế, người khác khoe đang ở căn hộ cao cấp, người nhẹ nhàng kể đang bán hàng online, vẫn "sống ổn". Không ai thực sự lắng nghe nhau.
Cô bạn hồi xưa học không giỏi, giờ thành đạt nhất lớp. Buổi họp lớp hôm đó, cô âm thầm trả hết tiền bữa ăn, chẳng nói một lời. Vậy mà hôm sau, trong nhóm chat, có người vẫn chép miệng: làm vậy chắc để thể hiện!
Gặp nhau hằng giờ, hằng ngày trên mạng xã hội, có cần phải họp lớp không?
Giữa tháng 7, anh T. nhận được tin nhắn mời họp lớp cấp ba. Người từng nhiệt tình gắn kết bạn cũ, giờ lại lưỡng lự rõ trên nét mặt.
Anh kể hồi mới ra trường, mỗi dịp Tết về lớp lại hẹn nhau một bữa cơm. Quán ăn bình dân gần chợ, mấy bộ bàn nhựa, chén dĩa không đồng bộ, vậy mà vui. Gặp nhau, bạn bè cứ tíu tít.
Nhưng rồi mọi chuyện đổi khác rất nhanh, có năm, anh phải nhắn ba lượt, gọi thêm vài cuộc, mới gom được chưa tới chục người.
Gặp mặt rồi thì ngồi nhìn nhau, mỗi đứa một ly nước rồi bấm điện thoại, chờ ai đó nói trước. Kết thúc bằng những cái bắt tay vội vàng và vài câu hẹn cho có.
Tết năm ngoái, anh dẫn người yêu về họp lớp. Tưởng sẽ là dịp vui. Nhưng ngay lúc anh vừa dứt lời khai mạc, đúng cái kiểu lớp trưởng hay nói hồi còn đi học thì người bạn bước lên nói toáng trước cả bàn tiệc: "Thôi lớp trưởng khỏi vận động góp quỹ nữa, có mấy trăm ngại lắm! Lần này em bao hết cho. Họp lớp mà làm như họp phụ huynh vậy".
Sau lần đó, anh T. không đứng ra tổ chức nữa.
Trong mắt một số người, việc anh T. không về họp lớp bị cho là thiếu bản lĩnh. Họ bảo: "Không giỏi thì càng phải gặp gỡ bạn cũ, học hỏi thêm chứ sao lại tránh mặt?".
Nhưng dường như họ không nhận ra điều khiến người ta né tránh không phải là sự tự ti, mà là cái không khí giả lả mà đầy áp lực, sự chân thành bị thay bằng những ánh mắt dò xét.
Nhiều người nghĩ chỉ người nghèo mới ngại họp lớp. Nhưng người giàu cũng ngại. Họ ngại ánh nhìn soi mói, nhiều lời xì xào sau lưng về sự khoe khoang.
Anh T. chia sẻ thật ra giờ chẳng cần họp lớp, ta vẫn có thể "gặp" nhau mỗi ngày, trên Facebook, Zalo, hay Instagram. Chỉ cần một cái chạm tay, cả danh sách bạn học hiện ra: ai vừa thăng chức, ai đi du lịch Đà Lạt, ai đăng hình con đầu lòng...
Nhưng chính vì thấy nhau nhiều quá mà ta lại ít thực sự hỏi han. Những dòng trạng thái dường như khiến người ta tưởng mình đã biết hết về nhau, nên khi gặp lại, chẳng còn gì để kể.
Sự im lặng càng dễ xảy ra, vì mỗi người đều có quá nhiều thứ để giữ riêng, quá ít lý do để thật lòng chia sẻ.