Nhảy đến nội dung

ĐHCĐ doanh nghiệp bất động sản: Người hồ hởi đặt mục tiêu doanh thu, kẻ giữ thế thận trọng trong chu kì tăng trưởng mới

Nhờ sở hữu nhiều quỹ đất có sẵn, một số doanh nghiệp địa ốc như Vinhomes, Nam Long, Sun Group, Hà Đô... tự tin đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2025 tăng mạnh so với năm trước. Ngược lại, một số doanh nghiệp khác lại thận trọng trong kế hoạch năm nay – năm được xem là bước chuyển giao sang một chu kì tăng trưởng mới.

Người hồ hởi, kẻ giữ thế thận trọng

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2025 đã ghi nhận nhiều điểm nổi bật trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Đáng nói, bất chấp thị trường còn nhiều thách thức, một số doanh nghiệp đưa ra kế hoạch tăng trưởng vượt bậc trong năm 2025. Điều này thể hiện niềm tin của doanh nghiệp vào chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản.

Theo kế hoạch được công bố, Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2025 là 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 42.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 76% và 20% so với mức thực hiện 2024. Nếu đạt được, đây tiếp tục là một kỷ lục mới của thành viên Tập đoàn Vingroup.

Việc đặt mục tiêu doanh thu "khủng" của Vinhomes là có cơ sở. Hiện doanh nghiệp đang sở hữu loạt quỹ đất khu đô thị kiểu mẫu quy mô lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM, Long An. Năm 2025, Vinhomes đặt trọng tâm vào việc phát triển các dự án này. Mới đây, siêu dự án quy mô 2.870 ha Vinhomes Green Paradise tại Cần Giờ đã chính thức khởi công. Đây là dự án kì vọng sẽ là động lực cho doanh số của Vinhomes trong 3 năm tới đây.

Trước đó không lâu, Vinhomes cũng đã động thổ dự án Vinhomes Green City quy mô hơn 197ha tại Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An. Đây là các dự án đánh dấu bước đi chiến lược mở rộng về phía Tây Bắc Tp.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long của doanh nghiệp. Cùng với đó, các dự án khu đô thị hiện hữu của Vinhomes ghi nhận giao dịch tích cực, kì vọng góp phần vào mục tiêu doanh thu của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp khác là Nam Long (NLG) cũng tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng 35% so với cùng kì năm ngoái. Tại ĐHCD diễn ra ngày 26/4 mới đây, đại diện NLG cho biết, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang dần phục hồi, doanh nghiệp tiếp tục kiên định chiến lược phát triển theo mô hình đô thị tích hợp, mở rộng thị phần, tăng tốc triển khai dự án và tạo nền tảng tăng trưởng bền vững đến năm 2030.

Riêng năm 2025, Nam Long đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.794 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 799 tỷ đồng, và lợi nhuận ròng của công ty mẹ đạt 701 tỷ, tăng 35% so với năm trước. Doanh số (Presales) dự kiến đạt 14.645 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với năm 2024. Cập nhật tình hình kinh doanh 4 tháng đầu năm, ban lãnh đạo NLG cho biết Công ty đạt doanh số (Presales) 2.576 tỷ, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu đến từ dự án Southgate. Riêng quý 1/2025, doanh thu của NLG đạt 5.000 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với quý 1/2024, chủ yếu nhờ vào việc tiếp tục bàn giao Akari Phase 2 và Cần Thơ Central Lake II.

Năm nay Nam Long sẽ tập trung vào đẩy mạnh kinh doanh và bàn giao tại các dự án hiện hữu như Akari City, Waterpoint, Izumi City, EHomeS Cần Thơ, EHome Southgate và Nam Long II Central Lake. Đồng thời, doanh nghiệp dự kiến tung ra hơn 2.000 sản phẩm mới tại các phân khu trọng điểm, tiếp tục khảo sát và mở rộng hoạt động tại các địa bàn tiềm năng. Trong đó dự án Waterpoint 355 ha là khu đô tích hợp quy mô lớn nhất của Liên doanh tính đến thời điểm này. Dự án thu hút sự quan tâm của người mua khi chỉ cách trung tâm TP.HCM chỉ 30 phút di chuyển, nằm ngay điểm giao với Vành đai 4 Tp.HCM đang được thúc đẩy triển khai, kết nối thẳng đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến mở rộng 6-8 làn xe trong quý 2/2025; kết nối liền mạch đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 Tp.HCM.

Giai đoạn 1 của KĐT có sự tham gia của ông lớn Nhật Bản Nishi Nippon Railroad với 165ha của khu đô thị, gồm 6.500 căn hộ Flora, hơn 2.200 biệt thự và nhà phố Valora,... Sự đồng hành của đối tác Nhật với kinh nghiệm 100 năm phát triển dự án đã phần nào giúp Nam Long hiện thực hóa ước mơ đưa Waterpoint trở thành khu đô thị tích hợp tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, đa dạng sản phẩm ở các phân khúc và nâng tầm chất lượng sống của người dân Việt Nam.

Hiện, Nam Long đang sở hữu hơn 681 ha quỹ đất sạch tại các khu vực kinh tế trọng điểm như Tp.HCM, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ và một số địa phương mới. Đồng thời, chiến lược của Nam Long là vẫn sẽ đẩy mạnh các thương vụ M&A, chủ động huy động vốn nhằm tối ưu hóa nguồn lực. Nhờ nội lực quỹ đất sẵn có, ban lãnh đạo Nam Long tự tin và kiên định với mục tiêu đặt ra.

Cũng mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 tăng mạnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) cho biết, đã lên kế hoạch để hiện thực hóa kế hoạch tham vọng. Theo tài liệu ĐHCĐ, sau nền tảng lợi nhuận thấp nhất 5 năm qua, bước sang năm 2025, HDG đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.936 tỷ đồng (tăng 8%) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.057 tỷ đồng, tăng trưởng 146% so với kết quả năm 2024.

Theo đơn vị này, năm nay, doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh bán hàng tại các dự án sẵn có, đặc biệt là dự án Hado Charm Villas, dự kiến mở bán trong quý 2/2025 với kỳ vọng mang về khoảng 3.000 tỷ đồng doanh thu. Cùng với đó, HDG đẩy mạnh chiến lược M&A nhằm mở rộng quỹ đất và dự án, phục vụ cho giai đoạn tăng trưởng 2025-2027. Ngoài việc tập trung khai thác dự án hiện hữu, HDG tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý cho các dự án mới tại Ninh Thuận, Yên Bái và xúc tiến đầu tư tại Thái Bình, Bình Dương, Cần Thơ, Long An...

Bên cạnh một số doanh nghiệp có sẵn quỹ đất để triển khai dự án ngay trong năm 2025 thì không ít doanh nghiệp địa ốc lại tỏ ra thận trọng trong kế hoạch đề ra. Đặc biệt, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với biến động của thị trường. Dù đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng cho năm 2025, doanh nghiệp vẫn thiếu tự tin với kế hoạch đưa ra. Ban lãnh đạo một số công ty cho rằng cần thận trọng trong đầu tư khi thị trường còn nhiều biến động. 

Trong đó, có một số doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng quỹ đất mạnh mẽ trong năm 2025, nhưng trong năm 2024 lại không thực hiện được thương vụ M&A nào. Điều này tạo ra không ít thách thức cho doanh nghiệp trong giai đoạn thị trường đang chuyển mình. Tương tự, các doanh nghiệp như Khang Điền, Phát Đạt, Văn Phú Invest, Đạt Phương... dù doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 có tăng so với cùng kì, nhưng vẫn rất thận trọng trong kế hoạch năm 2025. Thậm chí, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa công bố tài liệu đại hội, thể hiện sự kỹ càng trong việc lập kế hoạch.

Năm 2025 được xem là năm chuyển giao sang một chu kì tăng trưởng mới. Do đó dễ hiểu khi các doanh nghiệp địa ốc thận trọng với kế hoạch tăng trưởng. Đặc biệt, bối cảnh vĩ mô còn biến động, bức tranh nội tại của nhiều doanh nghiệp vẫn còn ẩn chứa những thách thức và tồn đọng trong quá trình phục hồi. Vì thế, dấu hỏi về khả năng phục hồi hoàn toàn của thị trường bất động sản trong thời gian tới vẫn được đặt ra. 

Cơ hội và thách thức của thị trường bất động sản năm 2025

Năm 2025 được đánh giá là một năm bản lề, với nhiều chuyển biến quan trọng có thể giúp thị trường bất động sản phục hồi sau giai đoạn khó khăn. Động lực cho sự chuyển biến tích cực này đến từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố then chốt: Những chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Nhà nước; sự chủ động và đổi mới không ngừng của các doanh nghiệp bất động sản; sự nhạy bén và thích ứng linh hoạt của các nhà đầu tư. Chính sự cộng hưởng này đã và đang định hình sự phát triển bền vững cho thị trường bất động sản trong những năm tới.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chủ động và quyết liệt trong việc hỗ trợ sự phục hồi của thị trường bất động sản. Cụ thể là khẩn trương rà soát các dự án vướng mắc, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để gỡ khó khăn cho các dự án; thúc đẩy các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng ưu đãi cho cả người mua và người bán...

Cùng với đó, Ba luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản (Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023) có hiệu lực sớm và đang dần đạt được độ "thẩm thấu" nhất định, đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ các vướng mắc về thể chế cho thị trường.

Hơn hết, sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh quá trình đổi mới và cải cách hành chính nhằm xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Chính sách sáp nhập hành chính không chỉ mang ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước mà còn tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, mang đến những cơ hội đầu tư mới.

Có thể thấy rõ, sau 6 tháng thi hành các Luật mới, thị trường bất động sản đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được củng cố, nhất là khi nguồn cung bất động sản được cải thiện và phân khúc nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ.

Tại tọa đàm diễn ra mới đây, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, năm 2025 là năm mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản nhờ những chính sách pháp luật mới. Những quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc trong các dự án đầu tư, thúc đẩy sự triển khai nhanh chóng của các dự án bất động sản, từ đó tạo ra nguồn cung mới cho thị trường. Việc phân cấp quản lý, trao quyền cho UBND các tỉnh trong phê duyệt và triển khai các dự án cũng là một bước đi quan trọng, giúp giảm bớt thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ phát triển đô thị.

Tuy nhiên, theo vị này, thị trường đang phải đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là giá bất động sản tăng cao, do nguồn cung hạn chế trong giai đoạn 2022-2024. Điều này đã đẩy mặt bằng giá lên mức cao, gây khó khăn cho người lao động trong việc tiếp cận nhà ở. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận vốn vay vẫn còn hạn chế, khi lãi suất cho vay và các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. "Cũng cần phải lưu ý rằng sự phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn vững chắc, khi mà các yếu tố toàn cầu như giá năng lượng, lạm phát, thuế và biến động tài chính quốc tế vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư," ông Dũng cảnh báo.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, năm 2025 sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nguồn cung bất động sản, nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và nỗ lực khôi phục của doanh nghiệp bất động sản sau giai đoạn khó khăn. Nhu cầu nhà ở tiếp tục đà năng, các chính sách đầu tư hạ tầng sẽ kích thích sức cầu thị trường trong năm tới.

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng chênh lệch nguồn cung, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Cùng với hiện tượng giá bất động sản tăng cao, nhiều dự án bị bỏ hoang, đặt ra bài toán về sự lãng phí và khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Theo nhận định từ chuyên gia trong ngành, năm 2025 đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ phát triển mới cho thị trường bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp buộc phải nhanh chóng thích nghi với những biến động và nắm bắt những cơ hội. Để làm được điều này, các chủ đầu tư tiếp tục chủ động tái cấu trúc nguồn vốn hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm một cách toàn diện. Đặc biệt, việc minh bạch hóa và đảm bảo tính pháp lý vững chắc của các dự án sẽ đóng vai trò quyết định trong việc củng cố niềm tin của khách hàng lâu dài.