Dệt may, da giày 'căng mình' trước ngày thuế đối ứng có hiệu lực

Dù tăng trưởng trong nửa đầu năm, song đa số các doanh nghiệp dệt may - da giày khá căng thẳng trước cột mốc ngày 9.7 - thời điểm chính sách hoãn thuế 90 ngày của Mỹ kết thúc.
Nhiều đơn hàng bị "treo" chờ kết quả đàm phán thuế quan
Hãng thời trang Nike cách đây mấy ngày cho biết sẽ mất thêm 1 tỉ USD chi phí vì chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Theo hãng này, thuế quan là trở ngại lớn về mặt chi phí do phải tìm nhiều cách để giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, đẩy chi phí về phía khách hàng bằng cách tăng giá sản phẩm. Bởi Trung Quốc vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ sở nguồn hàng toàn cầu của hãng này. Mục tiêu của Nike là giảm tỷ trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của hãng từ mức 16% xuống một con số vào cuối năm 2026. Thay thế cho sự cắt giảm đó, nguồn cung bổ sung sẽ đến từ các quốc gia khác và tất nhiên với chi phí cao hơn.
Trong nước, trao đổi với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cho hay, cả lợi nhuận và doanh số 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm đạt 21,4 tỉ USD, tăng hơn 8% so cùng kỳ. Thế nhưng chặng đường cuối năm lại đang khó khăn, khi hiện tại nhiều đơn hàng đang bị đối tác "treo" chờ kết quả đàm phán giữa VN và Mỹ về thuế đối ứng.
Theo ông Lê Tiến Tường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dệt may VN, việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn hàng lớn quay trở lại, với mức giá hợp lý và thời hạn giao hàng dài hơn. Việc có thêm các đơn hàng mới và đẩy nhanh tiến độ giao hàng trước ngày 5.7 đã giúp nhiều doanh nghiệp tăng lợi nhuận cũng như doanh số. Tuy vậy, ông thừa nhận, không thể nhìn số liệu hiện nay để đánh giá 6 tháng cuối năm thế nào. Hiện cả khách hàng và người sản xuất trong hợp đồng đã ký đều thận trọng, hai bên phải giữ lại một số nội dung để tiếp tục thỏa thuận. Đó chính là mức thuế đối ứng của Mỹ dành cho hàng hóa nhập từ VN tới đây ở mức nào thì hai bên sẽ gặp lại để đàm phán mức giá cuối cùng của đơn hàng. Vì thế, mức thuế áp thêm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cũng thừa nhận điều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng nhất lúc này là đơn hàng giảm, bởi phần lớn khách hàng ở Mỹ đang chần chừ hoặc tạm ngưng đặt hàng để nghe ngóng kết quả đàm phán thuế đối ứng.
"Sau các cuộc đàm phán, kết quả cuối cùng chưa thấy. Khách hàng phía Mỹ cũng nói rõ họ cần theo dõi và đánh giá lại tình hình mua hàng, tồn kho, thị trường và các tác động từ chính sách thuế mới. Đặc biệt, các đơn hàng gia công mà doanh nghiệp chịu toàn bộ việc mua nguyên phụ liệu, sản xuất thành phẩm và đưa ra đến cảng... giá đang bị trả thấp hơn. Một số khách đã tạm ngưng đặt hàng từ thị trường VN, chuyển sang thị trường khác là Bangladesh. Nhìn chung rất hồi hộp, căng thẳng và rất khó dự báo. Khách hàng chờ để chốt đơn, nhà sản xuất nín thở chờ… và kết quả là năng lực sản xuất của ngành dệt may hiện đang ở mức 70% so với trước đây", ông Phạm Xuân Hồng thông tin.
Với ngành da giày, tình trạng cũng tương tự. Lãnh đạo một công ty sản xuất xuất khẩu giày tại Bình Dương cho hay tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp đến trong quý 2 nhờ việc Mỹ hoãn lịch áp thuế đối ứng. Đó là "khoảng lặng" giúp doanh nghiệp tăng tốc kịp đơn hàng xuất đi trước ngày 5.7. "Đơn hàng bán cho mùa Giáng sinh mà nay đã xuất đi rồi, thì việc có thêm đơn hàng mới trong quý 3 là thách thức. Không chỉ với thị trường Mỹ, ngay thị trường EU cũng có dấu hiệu giảm đơn hàng xuất khẩu. Nếu thuế đối ứng áp mức thấp nhất có thể, doanh nghiệp tồn tại được, nhưng cao quá, chắc chắn sẽ có sự thu hẹp sản xuất, thậm chí bỏ cuộc bởi áp lực chi phí. Điều quan trọng lúc này là bằng mọi giá phải giữ được khách hàng và mua nguyên liệu từ đối tác mới, thị trường mới", vị này nói.
Nỗ lực tăng năng suất, giảm giá cạnh tranh
Báo cáo mới nhất của S&P Global cho thấy, các nhà sản xuất VN tiếp tục đối mặt tình trạng nhu cầu suy yếu trong tháng 6, đặc biệt với nhóm ngành xuất khẩu. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của VN tiếp tục giảm về dưới mốc 50 điểm trong 3 tháng liên tiếp. Từ 49,8 điểm của tháng 5 xuống 48,9 điểm trong tháng 6. Việc chỉ số PMI nằm dưới ngưỡng 50 điểm là báo hiệu sự suy giảm nhẹ của các điều kiện kinh doanh trong nửa đầu năm. Các chuyên gia S&P Global đánh giá, tình trạng xấu đi của sức khỏe tổng thể ngành sản xuất lần này là do sự giảm sút số lượng đơn đặt hàng mới. "Một số doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết thuế quan của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới", báo cáo cho hay.
TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nhận xét Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, phần lớn hàng hóa là từ các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… Với đặc thù sản xuất phụ thuộc vào đơn hàng nước ngoài, bất kỳ biến động nào về thuế nhập khẩu tại Mỹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp FDI và người lao động.
"Mỹ là thị trường rất khó thay thế. Thời gian qua, cùng với Chính phủ, cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp cũng "tả xung hữu đột" để tìm đơn hàng mới, tăng đa dạng nguồn nguyên liệu đầu vào, chú trọng tối đa yếu tố xuất xứ. Đó là con đường duy nhất để tồn tại phát triển bên cạnh sự nỗ lực đàm phán có kết quả tốt nhất từ phía Chính phủ 2 nước. Áp lực lớn nhất đối với doanh nghiệp là chi phí, bởi các nhà máy ở VN vốn vận hành với biên lợi nhuận khá thấp. Thế nên, cạnh tranh về giá cả bằng cách tăng năng suất lao động, đầu tư thiết bị hiện đại và cắt giảm tối đa chi phí cũng là cách một số doanh nghiệp đang áp dụng và cho kết quả khá tốt", TS Phùng Đức Tùng nhận xét.
Đó là thực tế đang diễn ra tại các doanh nghiệp. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết để cắt giảm chi phí, doanh nghiệp đầu tư vào những máy lập trình gần như tự động hoàn toàn có thể tăng năng suất từ 20 - 30%. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tập trung vào giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất gồm có định mức nguyên vật liệu, định mức thời gian chế tạo ra sản phẩm cần thiết.
"Các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí tối đa đã được chúng tôi áp dụng và kết quả giúp giảm giá thành đáng kể. Hiện tại, bộ phận nghiên cứu tổ chức sản xuất của công ty tập trung chuyên sâu vào việc phân tích dữ liệu trong chuỗi sản xuất, tức là tính toán thế nào để tiết kiệm được thời gian ra một sản phẩm… Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, trong đó mua luôn vải có xuất xứ từ bông của Mỹ", ông Thân Đức Việt chia sẻ.