Đến thăm nơi 'nặng nghĩa tri ân, thắm tình đồng đội'

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An trở thành mái nhà thứ hai với những thương, bệnh binh mang thương tật sau chiến tranh.
Buổi chiều cuối tháng 4, nắng vàng trải dài ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An, xã Nghi Phong, thành phố Vinh. Ngay dưới cổng chào vào trung tâm in đậm hàng chữ "Nặng nghĩa tri ân - Ấm tình đồng đội". Sau cánh cổng này là nơi chăm sóc, điều trị cho các thương bệnh binh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mang tỉ lệ thương tật 81%-100%.
Thương bệnh binh ở đây đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng họ có điểm chung là đều mang thương tật từ chiến tranh, có những người bị mù hai mắt, cụt hai chân, tổn thương cột sống, liệt tủy, vết thương sọ não, liệt toàn thân…
Lặng lẽ ở một góc phòng, ông Đào Xuân Tình - 73 tuổi, quê Thạch Đài, Hà Tĩnh - dõi theo tin tức lễ diễu binh, diễu hành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước từ chiếc radio cầm tay. Ông Tình từng là lính thông tin, tham gia các trận đánh ác liệt ở mặt trận biên giới Tây Nam năm 1979.
Dù đã gần 50 năm trôi qua, song ký ức về trận bom của địch khiến ông Tình bị mù cả hai mắt, cụt nửa tay trái vẫn in sâu trong ông. Sau thời gian được điều trị, ông Tình được chuyển đến trung tâm chăm sóc.
"Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống, hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, không được chứng kiến giây phút hòa bình, thống nhất", ông Tình xúc động nói. Dù chỉ nghe thông tin lễ diễu binh qua sóng truyền thanh, song ông Tình vẫn cảm nhận được không khí hào hùng, náo nức của ngày đại lễ của dân tộc.
Đẩy chiếc xe lăn lấy chiếc áo màu lính treo huy chương kỷ niệm chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Đặng Đình Hồng - 69 tuổi, quê Hà Tĩnh - rưng rưng xúc động khi nhớ về đồng đội. Mảnh đạn pháo từ trận chiến găm vào cột sống khiến chàng trai trẻ năm nào bị liệt nửa người. Trở về quê hương, ông Hồng gắn bó với chiếc xe lăn ở trung tâm.
"Anh em đồng đội của tôi ngã xuống khi chỉ cách thời điểm giải phóng vài giờ đồng hồ. Chúng tôi mong sao thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn khắc ghi những hy sinh của cha ông để chung tay xây dựng quê hương, đất nước", ông Hồng gửi gắm.
Ông Lê Tiến Mạnh - phó giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An - cho biết đơn vị được thành lập năm 1974 với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, điều trị, chăm sóc thương bệnh binh nặng.
Với sự chăm sóc đặc biệt của của đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm, cùng sự nỗ lực vượt qua nỗi đau, chiến thắng bệnh tật; sức khỏe của các thương binh, bệnh binh ổn định dần theo thời gian.
Trong hơn 50 năm qua đã có 559 người về an dưỡng tại gia đình, sống trong tình cảm đùm bọc của người thân, xóm làng, các địa phương.
"Với tình cảm trân quý, biết ơn, thương yêu dành cho các thương, bệnh binh, chúng tôi từng ngày làm việc trách nhiệm, tận tâm, vì một mái ấm an yên cho các thương, bệnh binh", ông Mạnh nói.