Nhảy đến nội dung

Đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh sau sáp nhập

TPO - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi theo hướng tăng số lượng đại biểu cấp tỉnh (từ tối đa là 75 lên 90 đại biểu) và HĐND cấp xã (từ tối đa là 30 lên 35 đại biểu). Cơ quan thẩm tra vẫn còn hai luồng ý kiến xoay quanh đề xuất này.

TPO - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi theo hướng tăng số lượng đại biểu cấp tỉnh (từ tối đa là 75 lên 90 đại biểu) và HĐND cấp xã (từ tối đa là 30 lên 35 đại biểu). Cơ quan thẩm tra vẫn còn hai luồng ý kiến xoay quanh đề xuất này.

Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7

Sáng 7/5, trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo luật gồm 7 chương, 54 điều, sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tập trung vào 4 nhóm vấn đề.

Cụ thể sẽ sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (gồm tỉnh, thành phố), cấp xã (xã, phường và đặc khu).

Đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh sau sáp nhập ảnh 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Như Ý

Đối với đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt giữ như quy định hiện hành do Quốc hội quyết định thành lập. Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã.

Về mô hình tổ chức, bà Trà cho biết, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị cấp tỉnh.

Đối với chính quyền địa phương cấp xã: HĐND cấp xã có 2 ban là ban pháp chế và ban kinh tế - xã hội. Trong khi đó, UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác.

Về hiệu lực thi hành, Bộ trưởng nêu rõ, dự án luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025; quy định chuyển tiếp về tổ chức chính quyền địa phương tại phường ở thành phố Hà Nội, TP HCM, thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Đồng thời, quy định các nội dung để giải quyết các vấn đề phát sinh, các nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp theo quy định tại luật này.

Cả nước có 13 đặc khu

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với quy định đơn vị hành chính được tổ chức thành 2 cấp như tờ trình.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng nhất trí với chủ trương sẽ hình thành 13 đặc khu trên cơ sở các đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo hiện nay.

Đối với các xã đảo không thuộc khu vực hải đảo, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có phương án sắp xếp phù hợp và quan tâm, lưu ý trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến việc áp dụng các chế độ, chính sách sau khi sắp xếp.

Đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh sau sáp nhập ảnh 2

Liên quan đến số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng tăng số lượng đại biểu cấp tỉnh (từ tối đa là 75 lên 90 đại biểu) và HĐND cấp xã (từ tối đa là 30 lên 35 đại biểu) so với quy định của luật hiện hành.

Theo ông Tùng, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã để bảo đảm phù hợp với quy mô của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc tăng số lượng đại biểu HĐND là chưa thực sự phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay. Do đó, ý kiến này đề nghị cân nhắc, giữ quy định về số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã như luật hiện hành.

Cơ quan thẩm tra đề nghị giao Chính phủ tổ chức hướng dẫn việc thực hiện các nội dung chuyển tiếp để có cơ sở thực hiện thống nhất giữa các địa phương.

Luân Dũng