Đề xuất tăng phụ cấp cho bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thượng tướng lên 2,7 triệu đồng

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp phục vụ từ 400.000 đồng/tháng lên 2,7 triệu đồng/tháng đối với một số chức danh lãnh đạo như bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thượng tướng quân đội và công an,...
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 269 về chế độ phụ cấp phục vụ đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Dự thảo nghị định gồm 5 điều, quy định rõ đối tượng áp dụng, mức phụ cấp, nguyên tắc thực hiện, nguồn kinh phí và điều khoản thi hành.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo kế thừa các chức danh theo Quyết định số 269, đồng thời cập nhật, điều chỉnh một số tên gọi chức danh để phù hợp với thực tế và tổ chức bộ máy hiện nay.
Theo đó, dự thảo nghị định mới cập nhật tên gọi một số chức danh: Sửa phó chủ tịch Văn phòng Chủ tịch nước thành phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia thành giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; sửa chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; sửa chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thành chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; sửa bí thư Đảng ủy khối cơ quan Trung ương thành bí thư Đảng ủy thuộc trung ương.
Một số chức danh được bổ sung do phát sinh sau sắp xếp tổ chức hoặc theo Kết luận số 35, gồm: Tổng kiểm toán Nhà nước, phó tổng kiểm toán Nhà nước; trợ lý lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; trợ lý thường trực Ban Bí thư.
Dự thảo cũng bỏ một số chức danh không còn tồn tại như: Tổng cục trưởng trong lực lượng Công an nhân dân hoặc đã được gộp trong chức danh cấp cao hơn như chủ tịch hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội. Một số chức danh tương đương thứ trưởng nhưng hoạt động chuyên môn, không trực tiếp phục vụ lãnh đạo cấp cao như giám đốc Đại học Quốc gia, trưởng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thẩm phán TANDTC, kiểm sát viên VKSNDTC… không được quy định trong dự thảo.
Bên cạnh đó, dự thảo không tiếp tục quy định đối tượng “chuyên gia cao cấp” theo Quyết định 269 cũ, nhằm bảo đảm thống nhất với Nghị định số 92 đã ban hành riêng cho nhóm đối tượng này.
Tăng gấp 5,69 lần
Về mức phụ cấp, dự thảo quy định chi trả bằng số tiền cụ thể theo mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành, thay vì hệ số.
Cụ thể: Mức 2,7 triệu đồng/tháng áp dụng cho các đối tượng tại khoản 1 và 2 Điều 1; mức 1,35 triệu đồng/tháng áp dụng cho đối tượng tại khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 1 (chi tiết ở cuối bài).
Mức điều chỉnh này tương ứng với mức lương cơ sở tăng gấp 5,69 lần so với thời điểm năm 2005, khi Quyết định 269 được ban hành.
Tổng hợp báo cáo từ 40 đơn vị cho thấy, kinh phí thực hiện Quyết định 269 trong 20 năm là 36,395 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ đồng/năm. Dự kiến, với mức phụ cấp mới, kinh phí tăng thêm khoảng 12 tỷ đồng/năm, bình quân 300 triệu đồng/đơn vị – được đánh giá là không lớn và phù hợp với khả năng cân đối trong phạm vi dự toán được giao, đặc biệt là trong năm 2025.
Dự thảo nghị định không phát sinh thủ tục hành chính mới, không quy định phân cấp, phân quyền. Hồ sơ trình Chính phủ bao gồm đầy đủ các nội dung theo quy định, trong đó có dự thảo tờ trình, dự thảo nghị định, báo cáo tổng kết, bản so sánh - thuyết minh nội dung sửa đổi, và báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý.
Nghị định dự kiến được Chính phủ ban hành trong năm 2025.