Đề xuất rút ngắn hiệp thương của MTTQ để bầu cử Quốc hội sớm

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp đề nghị rút ngắn, đơn giản hóa việc hiệp thương bầu cử Quốc hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong bối cảnh Quốc hội bầu cử sớm vào tháng 3.206.
Sáng 18.4, Ủy ban Dân nguyện - Giám sát tổ chức phiên họp thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bầu cử Quốc hội và HĐND. Dự án luật dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 vào tháng 5 tới, chuẩn bị cho việc bầu cử Quốc hội khóa XVI sớm vào tháng 3.2026.
Đại diện cơ quan soạn thảo báo cáo các nội dung dự án luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, dự án luật điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử. Dự kiến giảm 28 ngày (từ 70 ngày xuống 42 ngày) kể từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử (sau ngày bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc) đến ngày diễn ra bầu cử.
Về việc tổ chức hiệp thương bầu cử Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi giao cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức các hội nghị hiệp thương lần 1 (thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu của tổ chức, cơ quan) và lần 2 (lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội).
Đến hội nghị hiệp thương lần thứ 3, chốt danh sách chính thức người ứng cử, mới giao Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam như luật hiện hành.
Nêu ý kiến thẩm tra sơ bộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Hoàng Anh Công cho biết, đa số các ý kiến cho rằng chỉ nên giao cho Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc chủ trì hiệp thương lần 1. Còn các hội nghị hiệp thương lần 2 và lần 3 là các bước rất quan trọng để thông qua danh sách ứng cử chính thức thì nên giao cho Đoàn Chủ tịch.
Theo ông Công, hiện Ban Thường trực MTTQ chỉ gồm 5 người, chủ tịch và các phó chủ tịch chuyên trách của MTTQ. Trong khi Đoàn Chủ tịch bao gồm nhiều thành phần khác nhau sẽ đảm bảo tính dân chủ.
Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Trị, cho rằng hiệp thương lần nào cũng rất quan trọng, ngay cả việc xác định cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội của các tổ chức, cơ quan. Nếu hiệp thương lần 1 làm tốt thì sẽ định hướng cho danh sách sơ bộ ở lần hiệp thương thứ 2.
Ông Thắng cũng cho rằng, Ban Thường trực MTTQ chỉ có 5 người, mà giao để quyết định danh sách sơ bộ thì "chưa đảm bảo tính dân chủ". Cùng đó, việc triệu tập 67 vị của Đoàn Chủ tịch, theo ông Thắng cũng không "ngại gì mà không triệu tập được". Từ đó, đại biểu tỉnh Quảng Trị đề nghị giữ nguyên như phương án hiện hành, là giao cho Đoàn Chủ tịch chủ trì cả 3 hội nghị hiệp thương.
Hiệp thương xác định cơ cấu, thành phần, số lượng là không cần thiết
Ngược lại, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Quốc hội Nguyễn Phương Thủy lại đề nghị đơn giản hóa, rút ngắn quy trình hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc trong bầu cử Quốc hội.
Bà Thủy nói, ở Singapore tuyên bố giải tán Quốc hội vào ngày 15.4, đến 3.5 sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội mới, nghĩa là chỉ hơn nửa tháng. Còn chúng ta sau khi rút ngắn các quy trình, thì từ lúc nộp hồ sơ ứng cử cho tới bầu cử cũng mất tối thiểu 42 ngày, chưa kể công đoạn trước đó.
Từ đó, bà Thủy đề xuất không cần tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vì cơ cấu, số lượng, thành phần đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định. "Đưa ra MTTQ hiệp thương xác định cơ cấu, thành phần, số lượng là không cần thiết", bà Thủy nói, nếu muốn MTTQ tham gia thì có thể tham gia khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Với lần hiệp thương thứ 2 để chốt danh sách sơ bộ, bà Thủy cho rằng, lần này chỉ đơn giản là chuyển hồ sơ để lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, làm việc. Đây là bước rất đơn giản, Ban Thường trực MTTQ có thể làm được để chốt danh sách sơ bộ người ứng cử mà không cần đến Đoàn Chủ tịch.
Bà Thủy đề xuất MTTQ chỉ nên tập trung vào lần hiệp thương thứ 3 để chốt danh sách chính thức. Theo cách đó, công việc cần triển khai sẽ đơn giản hóa, rút ngắn hơn rất nhiều phù hợp với lần bầu cử sớm sắp tới và đặc biệt là việc đổi mới tư duy, đơn giản hóa thủ tục.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Nguyễn Quỳnh Liên nói không nên bàn việc MTTQ có làm được việc không và làm để làm gì vì việc MTTQ hiệp thương bầu cử Quốc hội là thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.
Đại diện MTTQ tán thành với cơ quan thẩm tra, cho rằng, hiệp thương lần 1 có thể giao cho Ban Thường trực, các lần hiệp thương 2, 3 khi đã là "nhân sự cụ thể rồi", "chạm tới con người cụ thể rồi" thì nên để Đoàn Chủ tịch thực hiện.
Bà Liên thông tin, từ 1.7, Mặt trận Tổ quốc sẽ có tổ chức mới, theo đó, Ban Thường trực ngoài Chủ tịch, các phó chủ tịch như hiện nay sẽ gồm các trưởng tổ chức chính trị - xã hội, dự kiến sẽ có 11 người. Vì thế, hiệp thương lần 1 xác định cơ cấu, thành phần có thể giao cho Ban Thường trực.
"Nếu các đồng chí chuẩn bị danh sách ứng cử tốt thì hiệp thương thông qua nhanh, còn làm không đúng cơ cấu thì chắc chắn Mặt trận sẽ có ý kiến rất rõ đấy ạ. Kỳ 2021 - 2026 vừa rồi, MTTQ có ý kiến rất quyết liệt, nhiều trường hợp", bà Liên nói, nhấn mạnh không thể phủ nhận vai trò hiệp thương của MTTQ trong bầu cử Quốc hội.