Đề xuất loạt cơ chế đặc thù về đất đai, lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân

Chiều tối 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Việc này nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 68, và tạo cú hích, đòn bẩy cho kinh tế tư nhân phát triển.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Tâm - người thừa ủy quyền Chính phủ đọc tờ trình - cho biết dự thảo nghị quyết đưa ra một số cơ chế đặc biệt khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể.
Chẳng hạn, về hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, dự thảo nghị quyết quy định doanh nghiệp công nghệ cao, nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm ít nhất 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu từ thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này sẽ được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định.
Hiện cả nước có gần 450 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 93.000 ha. Song thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ít cơ hội tiếp cận, giá thuê đất còn cao với khả năng chi trả của họ.
UBND cấp tỉnh sẽ xác định quỹ đất đảm bảo dành bình quân tối thiểu 20 ha một khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho doanh nghiệp công nghệ cao, nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo thuê lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp này có thể được thuê nhà, đất là tài sản công chưa hoặc không sử dụng tại địa phương.
Về hỗ trợ tín dụng, doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2% một năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Các startup, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo với khoản thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Cá nhân, tổ chức được miễn thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp với khoản chuyển nhượng cổ phần, vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chuyên gia, nhà khoa học được miễn thuế thu nhập cá nhân 2 năm, giảm 50% thuế này trong 4 năm tiếp theo với tiền lương, tiền công nhận từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D)...
Hoạt động thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp tư nhân được chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, việc thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp hộ kinh doanh không quá một lần trong năm (trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng). Hành vi lạm dụng thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử nghiêm.
Dự thảo Nghị quyết cũng phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân với cá nhân. Với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế thì ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế và hành chính trước. Các doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Việc này nhằm tạo sự yên tâm cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Góp ý tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo - Bộ Tài chính, đã làm việc tích cực để kịp tiến độ thông qua Nghị quyết vào cuối tuần này. "Đây là nghị quyết ngắn gọn với những đột phá mới trong phát triển kinh tế tư nhân", ông nói.
Tuy nhiên, ông yêu cầu các cơ quan rà soát nội dung về hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... để đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.
"Cần thay đổi tư duy, Nhà nước kiến tạo, phục vụ thay vì kiểm soát", Chủ tịch Quốc hội nói đồng thời đề nghị rà soát các nhóm được thụ hưởng, nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo khả thi.
Bởi theo ông cần rút kinh nghiệm một số chính sách trước đây, như hỗ trợ lãi suất vay 2% đạt kết quả thấp. "Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tiêu chí đối tượng cho vay chưa rõ ràng, tâm lý e ngại công tác thanh kiểm tra...", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo Nghị quyết 68, Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, từ 1/6/2026, hình thức thuế khoán với hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được chấm dứt. Thay vào đó, họ phải nộp thuế theo quy định về quản lý thuế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy góp ý chỉ nên chọn những vấn đề "đã chín, đã rõ, thực hiện được ngay để đưa vào nghị quyết". Ông cũng đề nghị bổ sung cơ chế giám sát, kiểm soát rủi ro khi thực hiện các chính sách đặc thù này. "Chính sách mở hết mà không có chế định ràng buộc thì phải cân nhắc. Cần có những quy định để hài hoà và cân bằng", ông Huy đặt vấn đề.
Giải trình rõ thêm tại phiên họp, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho hay việc lựa chọn nội dung nào đưa vào dự thảo nghị quyết là vấn đề rất khó. Chẳng hạn, các quy định về trách nhiệm hình sự, thanh kiểm tra... có thể chưa cụ thể hóa hơn những điều đã nêu tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, song "là chủ trương lớn, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ".
Việc đưa vào dự thảo nghị quyết các quy định như vậy, theo Phó thủ tướng, thể hiện thông điệp của Quốc hội và định hướng triển khai, sửa các luật tiếp theo.
Thẩm tra trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng dự thảo nghị quyết cần nêu rõ quy mô, diện tích trong từng khu, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp được hỗ trợ. Việc này nhằm tránh cơ chế xin - cho, trục lợi chính sách và gây khó khăn hoạt động doanh nghiệp.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư, tương ứng hình thức trả tiền thuê đất khu, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ là trả tiền một lần hay hàng năm.
Tương tự, các quy định về hỗ trợ tài chính, tín dụng cũng như hỗ trợ thuế, lệ phí cũng cần rõ tiêu chí xác định nhóm được vay. Các ngân hàng thương mại, cơ quan Nhà nước tự quyết, tự chịu trách nhiệm khi thực hiện chính sách.
Dự kiến, dự thảo nghị quyết sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến ngày 15/5, thông qua vào 17/5.
Anh Minh